1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30

Nguyễn Nhật Ánh
Chương 12 - Những Cô Em Gái
Một năm học kéo dài chín tháng. Nhưng mới tới tháng thứ ba, thầy Xuân Thu đã hết muốn dạy học trò.
Thầy nghiêm trang nói với chúng tôi:
- Thầy không còn gì để dạy các em nữa. Nếu học để làm bài trong kỳ thi tú tài, các em đã thừa sức rồi.
Thầy Xuân Thu không nói ngoa. Đề thi tú tài môn tiếng Pháp gồm một bài tập rédaction và một bài lecture kèm theo những câu hỏi. Học trò của thầy toàn dân trường Tây, các loại bài tập này tụi nó làm như máy. Hai đứa trường Việt là tôi và Hồng Hà lại là hai đứa luôn dẫn đầu lớp môn rédaction. Xét ra, thầy Xuân Thu không lo lắng là đúng. Tôi kém nhất môn nghe nói. Nhưng kỳ thi tú tài chỉ thi viết, không thi vấn đáp. Vì vậy điểm yếu của tôi không có cơ hội để bộc lộ.
Tất nhiên trước khi tuyên bố hùng hồn như vậy, thầy Xuân Thu đã lôi không biết ở đâu về nguyên một xấp đề thi tú tài môn tiếng Pháp dành cho ban C mấy năm trước, bắt cả lớp ngồi làm tại chỗ.
Chúng tôi è cổ suốt một tuần mới làm xong xấp đề thi của thầy.
Thầy đem xấp bài làm của chúng tôi về nhà, hai ngày sau đi tay không vô lớp, hào hứng phán:
- Tốt lắm! Không rớt một em nào. Đỗ hết. Thậm chí có vài em đỗ cao.
Dù sao, bảo thầy Xuân Thu không buồn dạy học trò cũng không đúng hẳn. Thầy vẫn dạy, nhưng chỉ dạy qua loa, đại khái. Thời gian còn lại, thầy toàn kể chuyện lúc thầy sống bên Tây.
Nhưng chuyện bên Tây kể hoài cũng hết, thầy Xuân Thu bèn nghĩ đến chuyện rủ học trò trốn học đi chơi.
Thú thật, trước đó và mãi mãi sau này, tôi chuyển rất nhiều trường, học với rất nhiều thầy cô khác nhau, vẫn không thấy ai tài tử bạt mạng như ông thầy dạy tiếng Pháp năm lớp mười hai của tôi.
Hôm đầu tiên nghe thầy bảo:
- Hôm nay thầy trò mình đi chơi!
Tôi tưởng thầy sẽ đĩnh đạc dẫn đầu cả lớp tiến ra theo cửa chính như những thầy cô các năm trước vẫn dẫn học trò đi dã ngoại.
Tôi đinh ninh như thế nên sau khi xếp tập, tôi liền ôm cặp hiên ngang bước ra cửa.
- Khoa, em đi đâu đó?
Tiếng thầy Xuân Thu gọi giật khiến tôi dừng bước, quay lại:
- Thưa thầy...
Thầy Xuân Thu khoát tay:
- Không đi ngả đó được. Thầy trò mình nhảy cửa sổ đi cổng sau.
Tôi chưa hết ngơ ngác, thầy đã quay sang thằng Bội, hạ lệnh:
- Bội, em nhảy ra trước, canh chừng giám thị hành lang.
Thầy Xuân Thu điều khiển học trò cũng oai vệ không kém một viên tướng đang chỉ huy trận đánh giữa chiến trường.
Được giao sứ mạng trong đại, Bội hào hứng nhét tập vào lưng quần, lồm cồm leo qua cửa sổ ra sân sau.
Thầy Xuân Thu ban "quân lệnh" thứ hai:
- Minh Khôi, Hồng Hà, hai em đóng chặt cửa chính và cửa sổ phía trước lại.
Minh Khôi và Hồng Hà nhanh chóng thi hành nhiệm vụ.
Cửa vừa đóng, cả thầy lẫn trò lập tức bu lại chỗ cửa sổ thằng Bội vừa leo qua, hồi hộp chờ nó ra hiệu.
Tôi đứng sau lưng thằng Diên, nhón chân nhìn ra ngoài, thấy thằng Bội đang ngồi thu lu sau gốc mẫu đơn trắng ở góc rào.
Nó nấp sau bụi cây, dáo dác đảo mắt tứ phía. Bội ngồi lâu thật lâu, có đến cả chục phút, mặt không ngừng nhăn nhó. Chắc giám thị hành lang vẫn còn lảng vảng quanh các dãy lớp gần đó nên thằng Bội mới mặt mày bí xị như thế.
Tôi đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì Minh Khôi thúc mạnh vào lưng:
- Chuẩn bị leo ra đi!
Tôi giật mình ngước lên, thấy Bội đang đưa tay ngoắt ngoắt.
Thế là người trước kẻ sau, thầy trò tôi lục tục trèo lên bệ cửa, phóc ra ngoài.
Bác bảo vệ cổng sau thấy đoàn người tiến ra một cách đáng nghi liền chặn lại:
- Tụi mày đi đâu giờ này?
Thầy Xuân Thu vẹt học trò, đàng hoàng tiến lên:
- À, bác Tám! Bữa nay tôi dẫn học trò đi thực tập mà.
Bác Tám nhác thấy thầy Xuân Thu, liền lễ phép cúi đầu:
- Chào thầy! Vậy mà tôi tưởng các em đây trốn học đi chơi!
Nói xong, bác móc xâu chìa khóa trong túi áo ra, loay hoay mở cổng.
- Cảm ơn bác!
Thầy Xuân Thu nói, và ung dung dẫn học trò tiến qua cánh cổng mở hé.
Rồi như sực nhớ ra điều gì, đi vài ba bước, thầy liền quay lại:
- À, bác Tám này! Sắp tới, thầy trò tôi đi thực tập thường xuyên lắm đấy.
Thầy Xuân Thu nói xa xôi, nhưng bác bảo vệ hiểu ngay:
- Dạ tôi biết rồi, thưa thầy. Tôi sẽ để cổng cho thầy và các em qua.
Bác Tám bảo "biết rồi" nhưng tôi ngờ là bác chẳng biết gì cả. Vì khi miệng bác trả lời sốt sắng như vậy, tôi vẫn thấy mặt bác nghệt ra đến tội. Chắc từ ngày giữ chân bảo vệ của nhà trường đến nay, chưa bao giờ bác thấy một ông thầy dẫn học trò chuồn ra cổng sau để đi thực tập như ông thầy dạy tiếng Pháp của tôi.
Lần trốn học đầu tiên, thầy Xuân Thu dẫn tụi tôi đi "thực tập" ở rạp xi nê. Tất nhiên là thầy bao toàn bộ tiền vé.
Thầy trò chui vô rạp Trưng Vương gần ngã năm Thái Bình Dương ngồi xem phim "Love story", bộ phim đang nổi tiếng như cồn tại Mỹ, do Ryan O'Neal và Ali Macgraw thủ vai. Phim hay tuyệt, dài ba tiếng đồng hồ nhưng xem không chán. Đến trưa trờ trưa trật, thầy trò mới bước ra khỏi rạp, miệng ai nấy đều không ngớt xuýt xoa.
Lần trốn học thứ hai, thầy Xuân Thu bao học trò ăn phở.
Lần thứ ba, thầy dẫn tụi tôi đi "thực tập" tại một quán nhậu.
Thầy kêu cả chục món ăn, cả chục lon Coca Cola, một chai whisky và một ly soda.
Thầy bảo:
- Các em uống nước ngọt thôi. Không nên tập tành rượu chè.
Tụi tôi không đứa nào phản đối. Bởi chẳng đứa nào biết uống rượu.
Trong khi thầy Xuân Thu ngồi nhâm nhi từng ngụm rượu thì tụi tôi thi nhau tấn công ồ ạt các đĩa thức ăn thơm phức.
Đến giữa bữa, xem chừng no nê, đám học trò bắt đầu quay sang thách nhau. Xem đứa nào uống được rượu.
Đầu tiên là thằng Minh Khôi. Nó bưng ly rượu thầy Xuân Thu vừa đặt xuống, đưa lên miệng nhắp một tợp. Rồi chùi mép, khề khà:
- Ngon ghê! Đố đứa nào làm được như tao!
Tụi tôi xanh mặt ngó nhau. Không đứa nào mở miệng. Vì không đứa nào có gan nốc rượu như Minh Khôi.
Thầy Xuân Thu không cản, chỉ nói:
- Hơn nhau chuyện học tập mới đáng kể, hơn nhau chuyện rượu chè đâu có gì hay ho!
Bất chấp lời bình luận sáng suốt của thầy Xuân Thu, thằng Minh Khôi đảo mắt một vòng, mặt nhơn nhơn:
- Tụi mày chịu thua rồi phải không?
Bị khiêu khích, Đông Anh nóng mặt. Nó cầm lên ly rượu:
- Tao uống.
Nó kề ly vào miệng. Nhìn bộ tịch hùng hổ của Đông Anh, tôi tưởng nó sẽ dốc trọn phần rượu trong ly vào cuống họng trong nháy mắt.
Nhưng hơi rượu bốc lên nồng quá, chiếc ly vừa chạm môi, thằng Đông Anh lập tức hắt xì hơi hai ba cái liền. Nó hoảng hồn đặt vội chiếc ly xuống, mặt đỏ tía:
- Tao chịu thôi!
Minh Khôi cười hô hố:
- Yếu mà ra gió!
Nó lướt mắt qua những đứa còn lại:
- Đứa nào thử sức?
Tấm gương của thằng Đông Anh khiến tụi tôi im thít.
Chờ cả buổi không thấy ai hó hé, Minh Khôi dán mắt vào mặt tôi:
- Mày đi Khoa!
Tôi lắc đầu.
Minh Khôi khích:
- Mày là Rimbaud, phải biết uống rượu. Xưa nay các nhà thơ đều làm bạn với men say. Nếu không có rượu, đã không có thiên tài Lý Bạch. Không có rượu, Nguyễn Bính đã không viết nổi câu "Người ơi, buồn lắm mà không khóc. Mà vẫn cười qua chén rượu đầy"...
Minh Khôi là một con cáo. Nó đánh ngay vào lòng tự tôn của nhà thơ lớn.
Do dự một thoáng, tôi khẽ liếc mắt về phía thầy Xuân Thu rồi rụt rè cầm lấy ly rượu.
Tôi bưng ly rượu lên nhưng không uống ngay. Những cái hắt xì hơi vừa rồi của thằng Đông Anh khiến tôi chột dạ.
Đang phân vân, tôi chợt nảy ra một sáng kiến. Tôi rót rượu vào lon Coca. Tôi nghĩ như vậy sẽ dễ uống hơn. Rượu hòa vào nước ngọt chắc chắn sẽ bớt mùi đi nhiều.
Nhưng khi tôi kề lon Coca vào môi, thầy Xuân Thu vội đưa tay chặn lại:
- Whisky pha Coca, nặng lắm đó!
Thầy Xuân Thu làm tôi nhụt nhuệ khí quá xá. Thốt nhiên tôi hết ham làm Lý Bạch. Lý Bạch say rượu nhoài ra khỏi thuyền vớt trăng dưới đáy sông mà chết. Tửu lượng ông ngang cỡ Lưu Linh mà còn thế, huống gì tôi. Tôi là thằng Khoa học trò tỉnh lẻ, từ bé đến lớn chưa nhúng môi vào rượu bao giờ.
Nhưng đúng vào lúc tôi định đặt lon Coca xuống và mở miệng nhận thua, thầy Xuân Thu bỗng nói:
- Nếu em chưa từng uống rượu bao giờ thì đừng uống!
Câu nói vô tình của thầy khiến tôi bỗng thay đổi ý định. Tự ái dồn dập, tôi không muốn đầu hàng thằng Minh Khôi nữa.
Tôi cầm lon Coca lên, hùng hồn:
- Không sao đâu, thầy!
Và tôi dốc ngược lon Coca vào miệng. Đúng như tôi nghĩ, whisky pha nước ngọt không đến nỗi khó uống.
Tôi nốc một hơi cạn queo, rồi hiên ngang dằn chiếc lon rỗng xuống bàn, dõng dạc:
- Có gì ghê gớm đâu! Tao uống hoài!
Tôi liếc mắt một vòng qua những gương mặt, hả hê khi thấy tụi bạn đứa nào đứa nấy tròn mắt thán phục.
Minh Khôi bật ngón tay cái:
- Ngon! Mày đúng là Lý Bạch của Việt Nam.
Hôm trước được Đông Anh tôn làm Rimbaud. Nay được Minh Khôi phong làm Lý Bạch, tôi sướng rơn, tưởng như đang ngồi trên chín tầng mây.
Nhưng Lý Bạch chỉ ngồi trên mây được khoảng mười phút. Tới phút thứ mười một, Lý Bạch dụi mắt xuống gầm bàn nôn thốc nôn tháo và qua phút thứ mười hai thì không còn biết trời trăng gì nữa.
Kỳ Trước | Kỳ Sau

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên