1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30

Nguyễn Nhật Ánh
Chương 7 - Những Cô Em Gái
Tôi gửi thơ cho tuần báo Bạn Trẻ là gửi cho vui, không mong gì được đăng.
Sau ba tuần đọc "cọp" báo Bạn Trẻ ở hiệu sách gần trường, chẳng thấy bài thơ của mình đâu, tôi chán nản không màng theo dõi nữa.
Tôi thất vọng hiểu rằng mộng ước trở thành thi sĩ của tôi thế là đã tan thành mây khói.
Nhưng cuộc đời không hoàn toàn tệ bạc với tôi. Những ngày đó, tôi phấn khởi nhận ra tụi học sinh chuyển qua từ lycée Pascal không siêu đẳng như tôi tưởng.
Tụi nó nói tiếng Pháp như gió nhưng khi làm bài tập grammaire, chúng thường ít điểm hơn tôi. Và khi làm rédaction, tức môn luận văn, chúng càng thua tôi rõ rệt. Thua cả thằng Hồng Hà.
Tụi lycée Pascal viết tiếng Pháp như viết tiếng mẹ đẻ, dùng temps dùng mode chính xác cực kỳ, nhưng ý tưởng lại đơn giản.
Trong khi tôi và Hồng Hà được trui rèn trong văn chương tiếng Việt từ bé, bốn năm học phân tích bình giảng văn thơ đến chóng mặt, do đó khi làm luận văn, ý tưởng của hai đứa tôi luôn luôn phong phú hơn. Đó cũng là nhận xét của thầy Xuân Thu. Bao giờ chấm bài tập rédaction của tôi, thầy cũng hào phóng phê "ý dồi dào, văn gãy gọn".
Hôm bài rédaction đầu tiên được phát ra, thấy bài làm của tôi cao điểm nhất, tụi Pascal ngạc nhiên lắm. Chúng không tin một tên học sinh tỉnh lẻ lù khù, lần nào bị thầy Xuân Thu kêu lên cũng đứng ngay cán cuốc lại có "tài" đến thế.
Chúng cứ nhìn về phía tôi, xì xào bàn tán. Thằng Đông Anh ngồi gần tôi nhất. Ngập ngừng một lát, nó chìa tay ra:
- Ê, Khoa! Cho tao mượn bài làm của mày coi chút nào!
Tôi rụt rè đưa tờ giấy cho nó, bụng thấp thỏm không biết tụi này định khiếu nại, kiện cáo gì về bài làm của tôi với thầy Xuân Thu đây.
Thằng Đông Anh coi bài của tôi lâu thật lâu, xong chuyền qua cho thằng Diên bên cạnh. Một lát, thằng Diên chuyền cho thằng Bội. Thằng Bội chuyền cho thằng Minh Khôi.
Sau khi tụi Pascal chuyền lòng vòng một hồi, thằng Đông Anh đưa trả bài lại cho tôi, miệng xuýt xoa thán phục:
- Đứa nào cũng khen mày viết văn hay! Tụi tao không bắt chước cách viết bay bướm của mày được.
Tôi thở phào. Hóa ra tụi Pascal không nhỏ mọn như tôi nghĩ. Chúng mượn bài làm của tôi để xem cho biết, để "học hỏi", chứ không phải để "vạch lá tìm sâu" như những kẻ đố kỵ.
Tự nhiên tôi thấy khoảng cách giữa một học sinh tỉnh lẻ như tôi với tụi học sinh trường Tây được thu ngắn đáng kể.
Tôi nói với Đông Anh:
- Tao viết chả có gì đặc biệt. Tụi mày thừa sức viết như tao.
Đông Anh cười hiền lành:
- Mày khiêm tốn đấy hở?
Tôi cũng cười:
- Đâu có.
Tôi nói "đâu có" và tôi tiếp tục đạt điểm cao nhất ở môn rédaction lần thứ hai, lần thứ ba và không lần nào chịu tụt xuống hạng nhì từ đó cho đến cuối năm.
Nói cho đúng ra, sở dĩ tôi toàn thắng ở môn rédaction phần lớn nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Hồng Hà.
Làm luận văn, văn phạm vững vàng, ý tưởng phong phú chưa đủ. Cần phải có vốn từ dồi dào để thể hiện những ý tưởng đó. Mà ở môn từ vựng, tôi không phải là một học sinh xuất sắc.
Nhưng tôi đã có Hồng Hà. Nó là một cây từ vựng. Trong giờ luận văn, mỗi khi nghĩ ra được một ý hay hay nhưng không nhớ từ tương đương bên tiếng Pháp, tôi chỉ việc quay sang Hồng Hà:
- "Cảm hứng" là gì hở mày?
- L'enthousiasme.
- "Trong khoảng xa xăm" viết sao hở mày?
- Dans le lointain.
- Còn "cứu rỗi" là gì?
- La rédemption.
Hồng Hà đáp như máy, không cần suy nghĩ. Khi trả lời những câu hỏi của tôi, nó vẫn tiếp tục làm bài của nó, không buồn ngẩng đầu lên. Tất nhiên là nó không nói trôi chảy được như thế. Chữ "L'enthousiasme bao giờ cũng phải là "L'en... L'enthousi... siasme".
Nhưng chính nhờ nó mà trí tưởng tượng của tôi tha hồ bay bổng. Tôi không sợ thiếu từ để diễn tả. Tôi chỉ có một nhiệm vụ đơn giản là làm sao nghĩ ra được càng nhiều ý hay càng tốt, sao cho tụi thằng Đông Anh phải luôn luôn tâm phục khẩu phục "tụi tao không bắt chước mày được".
Ở môn rédaction, tôi lúc nào cũng đứng nhất, Hồng Hà lúc nào cũng đứng nhì. Nhưng Hồng Hà không bao giờ ghen tị với tôi. Mặc dù nó thừa hiểu, khi tôi hỏi, nếu nó không thèm đáp hoặc vờ bảo "không biết", tôi sẽ không thể nào đứng vững trên đỉnh cao chót vót của môn rédaction lâu như thế.
Nhưng Hồng Hà là đứa bạn tốt. Nó không thèm cạnh tranh với tôi. Nó chấp nhận đứng thứ hai, miễn là trên tụi thằng Đông Anh, thằng Diên, thằng Bội...
Hồng Hà là chúa "cục bộ trường Tây - trường ta". Mỗi lần thầy Xuân Thu phát bài tập rédaction, Hồng Hà bao giờ cũng sung sướng thì thầm vào tai tôi:
- Tụi... tụi Pascal học không bằng tụi trường... trường Việt mình đâu!
Và để bảo vệ sự hơn hẳn của "tụi trường Việt mình", Hồng Hà sẵn lòng làm cuốn từ điển sống cho tôi "tra cứu" bất kỳ lúc nào.
Hồng Hà là một cuốn tự điển sống hiểu theo nghĩa đen. Vì nó thuộc lòng nguyên cả cuốn từ điển Pháp Việt dày cộm, không sót một từ.
Phát hiện đó làm tôi vô cùng kinh hãi.
Thoạt đầu, mỗi khi bí từ vựng, tôi thường quay sang hỏi nó. Mặc dù tôi hỏi đâu, nó đáp đó, không bao giờ bí, cũng không bao giờ ngập ngừng, nhưng tôi chẳng chú tâm lắm. Tôi chỉ nghĩ tại tôi kém từ vựng. Tôi nghĩ vốn liếng của Hồng Hà chắc chỉ hơn tôi chút đỉnh và dĩ nhiên là không thể nào sánh bằng tụi Pascal.
Nhưng càng ngày tôi càng ngạc nhiên, khi nhận ra nhiều lúc tôi hỏi những từ vô cùng khó, nó vẫn chẳng thèm lúng túng mảy may.
- "Sự chiếu lệ" là gì hở mày?
- La routine.
- "Chim gõ kiến" là gì?
- Le pic.
- "Vong hồn"?
- Les mânes.
Tôi trố mắt khâm phục:
- Sao mày biết nhiều từ quá vậy?
- Ừ.
Hồng Hà trả lời chán phèo.
Tôi lại hỏi:
- Có từ nào mày không biết không?
- Chắc là có.
Tôi thăm dò:
- "Người bán thuốc Tây" gọi là gì?
- Le droguiste.
Tôi nhíu mày cố nghĩ một từ thật hóc hiểm:
- "Nền quân chủ lập hiến"?
Hồng Hà vẫn tỉnh khô:
- La monarchie constitutionnelle.
Đầu tôi xoay tít:
- "Bạch huyết cầu"?
- Le leucocyte.
Hồng Hà đối đáp như gió làm tôi đâm nghi:
- Đúng không đó mày?
- Đúng chứ.
Tôi chớp mắt:
- Tao nghi mày bịa ra quá.
Hồng Hà mỉm cười:
- Không tin thì mày giở từ điển ra coi lại đi.
Không cần Hồng Hà nhắc đến lần thứ hai, tôi lật đật lôi cuốn từ điển Việt Pháp trong ngăn bàn ra, lật vần B, dò chữ "bạch huyết cầu".
Chữ "leucocyte" đập vào mắt khiến tôi xanh mặt.
- Có... có chữ đó không?
Tôi xụi lơ:
- Có.
Rồi tôi huơ cuốn từ điển trên tay:
- Bây giờ tao nhìn vào đây để hỏi mày nghe?
Tôi hỏi một câu cho có lệ rồi chúi đầu vào từ điển dò dẫm, không để Hồng Hà kịp từ chối. Tôi tin chắc lần này tôi sẽ bắt bí được thằng cà lăm này. Để tự tôi nghĩ ra, có thể tôi sẽ không nghĩ được những từ hóc búa đến mức "hạ gục" được nó, chứ nếu cho tôi nhìn vào từ điển để hỏi, chắc chắn tôi sẽ khiến nó khóc thét.
Tôi hí hửng nghĩ bụng và hăm hở "dò bài", tất nhiên tôi cố tâm lục toàn những từ "độc chiêu", khi học tiếng Việt còn chưa chắc gặp nữa là học tiếng Pháp:
- "Con kỳ nhông"?
- La salamandre.
- "Khí tượng học"?
- La météorologie.
Tôi bặm môi lật tới lật lui cuốn sách trên tay:
- "Lạc đà một bướu"?
- Le dromadaire.
- "Chứng liệt thần kinh"?
- L'anévrose.
Tôi bắt đầu thở dốc:
- "Vi khuẩn hình dấu phẩy"?
- Le vibrion.
Tới đây thì tôi hoàn toàn chán nản, không buồn kiểm tra vốn từ của Hồng Hà nữa. Tôi quay sang kiểm tra kiến thức y học của nó:
- "Vi khuẩn hình dấu phẩy" là gì, mày có biết không?
Hồng Hà bối rối:
- Tao... tao không biết.
Tôi nhếch mép:
- Không biết sao mày còn học từ đó làm chi?
Hồng Hà khụt khịt mũi:
- Trong... trong từ điển có từ gì tao học từ nấy. Tao... tao học từ trên xuống dưới mà.
Tôi há hốc mồm:
- Học từ trên xuống dưới?
- Ừ, từ... từ trên xuống dưới.
- Tức là học từ trước ra sau?
- Ừ, từ... từ trước ra sau.
- Tức là mày học thuộc nguyên cả cuốn từ điển?
- Ừ.
Hồng Hà "ừ" nghe nhẹ tưng. Trong khi tôi choáng váng đầu óc. Trước đây tôi có nghe chuyện một nhà cách mạng học thuộc cả cuốn từ điển. Bị bắt vô tù, ông không mang theo gì ngoài cuốn từ điển Pháp Việt. Mỗi lần đi ị, ông xé một tờ cầm theo và học thuộc lòng ngay trên hố xí, trước khi dùng nó làm vệ sinh. Ngày này qua ngày khác, cuốn từ điển mỏng dần và vốn từ của ông cũng dày dặn dần. Đến khi ông xé tới trang cuối cùng, mấy chục ngàn từ đã vào cả bụng ông. Nghe nói, sau khi ra tù, ông trở thành một nhà dịch thuật siêu hạng.
Câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết, chẳng rõ thật hư. Cũng có thể câu chuyện đó được truyền tụng nhằm đề cao cái chí của người hoạt động cách mạng hơn là nói về sự hiếu học.
Khi nghe chuyện, tôi thích tưởng tượng ra cảnh nhà cách mạng đang ngồi học bài để tủm tỉm cười hơn là nghĩ đến chuyện noi gương học tập. Tôi không tin con người ta có thể học thuộc nguyên cả cuốn từ điển. Vì tôi tin sức người có hạn.
Nhưng Hồng Hà đã phá vỡ định kiến của tôi. Nó chứng minh ngược lại: sức người là vô hạn. Nó không làm cách mạng, không đi tù, không ngồi trên hố xí, nhưng vẫn thuộc lòng mấy chục ngàn từ, kể cả những từ có lẽ suốt đời nó không bao giờ dùng đến.
Tôi ngẩn ngơ nhìn nó:
- Làm sao mày có thể học thuộc cả cuốn từ điển dày cộm như vậy?
Hồng Hà gãi đầu:
- Có... có gì đâu! Đi... đi đâu tao cũng cầm theo cuốn từ điển, hễ... hễ rảnh là giở ra học!
Tôi thắc mắc:
- Nhưng cuốn từ điển dày như thế...
- Thoạt đầu tao... tao học vần A trước. Học hết vần A, tao lật sách tiếng Pháp, thấy từ nào bắt đầu bằng chữ A là tao xem thử mình có nhớ không...
Tôi trố mắt nghe Hồng Hà trình bày phương pháp học tập của nó. Phương pháp của nó không có sách nào bày, chỉ do nó tự nghĩ ra. Vì vậy nghe kỳ quái vô cùng: Sau khi cắm đầu học thuộc ba mẫu tự tiếp theo, nó vỗ ngực tự hào: Ông học tiếng Pháp, bí từ nào thì bí, nhưng những từ bắt đầu bằng chữ A, chữ B, chữ C, chữ D thì dứt khoát là ông bỏ túi!
Cứ như thế, Hồng Hà lần lượt học hết chữ cái này đến chữ cái khác. Nó học theo kiểu "kiến tha lâu cũng đầy tổ", kiên nhẫn tha từng từ vào trí nhớ. Khi tôi gặp nó, Hồng Hà đã là cuốn từ điển sống lừng danh ở trường Trần Quý Cáp mấy năm nay, ngay cả thầy cô mỗi lần gặp từ khó đều phải "hạ mình" hỏi nó.
May làm sao, cái giỏi của nó chính là cái hên của tôi. Không có nó ngồi cạnh, suốt đời tôi vẫn "rét" tụi Pascal.
Kỳ Trước | Kỳ Sau

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên