Nhiều khi chúng ta có khuynh hướng coi thời đại chúng ta là nhất hoặc tiến bộ nhất vì có những phát minh trổi vượt hơn trước đây. Nhất là chúng ta có khuynh hướng đề cao thế kỷ hai mươi vì những tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Trong năm 1900, xe hơi là đồ trang sức cho một ít người; máy bay và truyền hình chưa có; rất ít tiện nghi tân tiến như điện thoại mà nhiều người ngày nay sử dụng hàng ngày.

Trong cái nhìn của một Kitô Hữu, thế kỷ hai mươi phải được thẩm định một cách khác biệt. Vào năm 1850, số người theo Kitô Giáo chiếm một nửa dân số thế giới. Vào năm 1950, con số này giảm xuống còn một phần ba. Rất có thể vào thập niên 2000, con số này chỉ còn một phần sáu, trừ khi làn sóng rao giảng Tin Mừng tái xuất hiện. Một trong những yếu tố quan trọng làm sút giảm số Kitô Hữu là sự phát triển của chủ thuyết cộng sản và các hình thức vô thần khác trong thế kỷ hai mươi. Chỉ sau bảy mươi năm hiện diện kể từ cuộc Cách Mạng Nga 1917, gần một nửa thế giới đã bị cộng sản vô thần thống trị. Sự kiện này khiến thế kỷ hai mươi là thời kỳ tử đạo lớn nhất của Kitô Giáo kể từ thời giáo hội tiên khởi. Thật vậy, trong thế kỷ này nhiều Kitô Hữu đã bị chết vì đức tin hơn bất cứ thế kỷ nào khác.

Trong những nơi được tự do giữ đạo trên thế giới, chủ nghĩa tục hoá con người (sản phẩm của thời Khai Sáng) và chủ nghĩa vật chất cá nhân (theo đuổi tiền bạc và vật chất một cách ích kỷ) đã làm cạn kiệt sinh lực và sức sống của Kitô Hữu. Nhiều Kitô Hữu chỉ giữ đạo bề ngoài mà không thực sự nhận biết Thiên Chúa hay quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ở xã hội Âu Châu và Mỹ Châu, ngày càng nhiều Kitô Hữu vứt bỏ bộ mặt tuân phục bề ngoài và không còn tham dự vào đời sống cũng như sự thờ phượng của Giáo Hội. Trong nhiều nhà thờ ở Tây Phương, ít khi người ta thấy có giới trẻ. Nhiều người sợ rằng, cả một thế hệ sẽ không biết Ðức Kitô là ai.

Trong khi đó, nhân loại tiếp tục tìm kiếm hy vọng và ý nghĩa cho một thế kỷ mà chỉ trong vòng năm mươi năm, hai cuộc thế giới đại chiến đã giết chết loài người nhiều hơn tất cả các cuộc chiến khác trong lịch sử nhân loại.

Những sự kiện nêu trên được đưa ra không để đe dọa nhưng để chúng ta nhìn đến thế kỷ hai mươi với một nhận thức đứng đắn về vị trí của thế giới và vị trí của Kitô Hữu. Thế kỷ hai mươi cũng có thể được gọi là thời đại ý thức hệ. Kể từ khi Kitô Giáo bị hầu hết các quốc gia Tây Phương tẩy chay, nó không còn được coi như một động lực kết hợp xã hội và nguồn hướng dẫn luân lý. Người Tây Phương đang tìm kiếm một thay thế bằng cách thần thánh hóa ý thức hệ kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và các chủ nghĩa khác.

Ðây là một thế kỷ đầy hiểm họa và thử thách, nhưng cũng là một thế kỷ của cơ hội và hy vọng lớn lao. Tại sao? Vì ơn Chúa vẫn đổ xuống dồi dào cho tất cả những ai muốn tìm kiếm đức tin. Người Công Giáo là một dân tộc hy vọng, chúng ta tin tưởng rằng ở đâu đầy tội lỗi, thì ở đó ơn Chúa càng dồi dào hơn (Rom. 5:20).

Thánh Giáo Hoàng Piô X (1903-14)

Ðược tuyển chọn vào thuở ban sơ của thế kỷ hai mươi, Ðức Giáo Hoàng Piô X quan tâm đến sự kiên cường việc phụng tự và bảo vệ Giáo Hội Công Giáo khỏi những lầm lạc hiện đại. Ngài kêu gọi mở lớp giáo lý cho trẻ em và nâng tuổi được xưng tội và rước lễ lần đầu lên mức độ tuổi khôn (khoảng bảy tuổi). Ngài khuyến khích người Công Giáo rước lễ hàng tuần và canh tân thánh nhạc trong phụng vụ. Những canh tân của ngài trong lãnh vực phụng tự đã ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống Công Giáo mãi cho đến ngày nay.

Ðức Piô X cũng bắt đầu một công trình lớn lao là tổng hợp các quy luật phức tạp và lộn xộn của Giáo Hội thành một Bộ Giáo Luật. Công trình này được hoàn tất và ban hành vào năm 1917. Ðức Piô cũng lưu tâm đến việc đưa đức tin Công Giáo vào thế giới hiện đại qua một phong trào giáo dân được gọi là Công Giáo Tiến Hành. Ðiều này đã đem lại kết quả trong việc biến đổi xã hội cũng như hoán cải nhiều người về với Giáo Hội Công Giáo. Ðối với xã hội, Ðức Piô X còn thi hành một biện pháp mang tính cách ngôn sứ khi ngài yêu cầu Giáo Hội Công Giáo Pháp giao lại mọi bất động sản và lợi nhuận cho chính phủ Pháp thay vì nắm quyền kiểm soát. Giáo Hội Pháp đã vâng lời thi hành và đã được phần thưởng lớn lao là sự khôi phục tâm linh.

Tất cả những điều này và các điều khác đã giúp Ðức Piô X được tuyên xưng hiển thánh vào năm 1948, là vị giáo hoàng đầu tiên được phong thánh kể từ thế kỷ mười sáu. Tuy nhiên, nhiều người ngày nay chỉ nhớ đến Ðức Piô X qua sự đối xử khắt khe với một nhóm học giả Công Giáo được gọi là Nhóm Ðổi Mới (Modernist). Chủ nghĩa Ðổi Mới phát xuất từ các người Tin Lành, họ khảo cứu Phúc Âm qua các phương pháp chú giải có tính cách lịch sử và văn chương. Các học giả Tin Lành phóng khoáng này không nghĩ rằng Phúc Âm đã được giải thích cách đúng đắn qua các phương cách dẫn giải truyền thống, như đã được các Giáo Phụ sử dụng. Ðiều này đã phân chia họ thành hai phái: người Tin Lành tự do, chấp nhận phương pháp chú giải mới và người Tin Lành giáo điều, là những người tin rằng phương pháp mới sẽ làm suy yếu ý nghĩa đích thực của Phúc Âm.

Khi các người Công Giáo, như Alfred Loisy người Pháp (1857-1940), George Tyrrell dòng Tên (c. 1909) và một số người khác, khởi sự dùng chính các phương pháp này (ngay cả để bài bác các kết luận sai lầm của người Tin Lành tự do), thì các giáo hoàng, từ Ðức Lêô XII, rất lo âu. Không hiểu các động lực đã từng phân cách Tin Lành, bây giờ có làm hoang mang và chia rẽ người Công Giáo hay không? Ðức Giáo Hoàng Piô X quyết định không để điều này xảy ra. Nhóm Công Giáo Ðổi Mới không được phép giảng dạy điều họ cho rằng Ðức Giêsu chỉ là một vị tiên tri độc đáo vì Ngài hiểu biết nhiều về Thiên Chúa nhưng không thực sự biết về thiên tính của mình, hoặc Ðức Giêsu không có ý định thiết lập các bí tích hay muốn thiết lập một Giáo Hội. Nhóm Ðổi Mới dường như đang hỗ trợ cho một lập trường đáng nghi ngờ và họ tẩy chay nhiều tín điều căn bản của Công Giáo về Ðức Kitô và Giáo Hội.

Bất kể các phương pháp của họ có tài giỏi cách mấy hoặc động lực của họ có chính đáng như thế nào, Ðức Piô X đã duyệt xét các kết luận của Nhóm Công Giáo Ðổi Mới và quyết định phải chấm dứt nhóm này cách mau chóng và dứt khoát. Vào năm 1901, Lamentabili Sane, là danh sách các đề xuất bị kết án của Nhóm Ðổi Mới được công bố, tiếp theo đó không lâu là một thông điệp toàn diện, Pascendi dominici gregis, nhằm chống lại Nhóm Ðổi Mới. Vào năm 1910, mọi giáo sĩ Công Giáo buộc phải thề tẩy chay mọi giảng dạy của Nhóm Ðổi Mới. Ðức Giáo Hoàng Piô X còn cho thành lập đoàn cảnh sát chìm để đảm bảo rằng chủ nghĩa Ðổi Mới không được dạy trong các chủng viện và đại học Công Giáo. Có lẽ Ðức Piô X đã phản ứng quá đáng trước sự đe dọa của chủ nghĩa Ðổi Mới, mà hành động ấy đã làm bóp nghẹt cuộc nghiên cứu đầy sáng tạo của Công Giáo, nhất là trong lãnh vực tra cứu phúc âm và lịch sử trong năm mươi năm tiếp đó. Tuy nhiên, về lâu dài, dường như Ðức Piô X đã khôn ngoan khi muốn ngăn cản người Công Giáo đừng vội vàng chấp nhận lối tiếp cận mới đối với Phúc Âm và đối với sự phát sinh của Giáo Hội, bởi vì những điều ấy là nền tảng của Kitô Giáo và Công Giáo. Kết quả là Giáo Hội Công Giáo đã được lợi ích trong nhiều năm dài trước khi đi vào cuộc khảo cứu không hạn chế trong các lãnh vực rất tế nhị này. Là một vị chủ chăn của toàn thể Giáo Hội, lưu tâm hàng đầu của đức giáo hoàng luôn luôn là việc duy trì đức tin của người Công Giáo và Kitô Giáo. Ðức Giáo Hoàng Piô X đã nhận lãnh trách nhiệm này một cách nghiêm trọng trong việc kết án lạc thuyết Ðổi Mới.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên