Tác GiảVõ Đức Thu Nguyễn Ngu Ý
Thể Loại
LờiNhạc sĩ Võ Đức Thu là một trong những nhạc sĩ đi tiên phong của nền tân
nhạc Việt Nam, đặc biệt là về ngành hoà âm và sáng tác nhạc cổ điển
dành cho dương cầm. Khi tân nhạc mới được thu thanh vào dĩa hát 78
vòng khoảng giữa thập niên 40, ông đã điều khiển ban nhạc dưới tên
Charles Thu đệm cho ca sĩ hát khi thu thanh vào nhiều dĩa hát thịnh hành
vào thời ấy. Thiết tưởng chúng ta cũng không quên công của ông trong
việc góp phần xây dựng cho nền Tân nhạc Việt Nam được đứng vững
sau này. Ngoài ông ra, trong gia đình ông còn có sự tham dự của các
nhạc sĩ Võ Đức Tuyết, Võ Đức Xuân từng chơi cho ban nhạc trên các đài
phát thanh và thu vào dĩa hát 78 vòng thời đó.

BÁCH KHOA PHỎNG VẤN GIỚI NHẠC SĨ
(Tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn năm 1963)
Nguyễn Ngu Ý thực hiện
Những câu hỏi để gợi ý:
1. Bạn chuyên về nhạc gì? Nhạc Tây phương hay nhạc Việt, nhạc mới
hay cũ, cổ truyền hay cải cách? Về ngành nhạc nào, và xin giải thích cho
biết qua về ngành đó.
2. Bạn bước vào ngành nhạc trong trường hợp nào. Và tập luyện ra sao?
Xin cho biết về những hoạt động nghệ thuật của bạn (sáng tác, tấu nhạc,
điều khiển ban nhạc, nghiên cứu về nhạc….)
3. Theo ý bạn chỉ nên phổ biến nhạc Tây phương cho thật rộng rãi hoặc
chỉ phục hưng hay cải cách nhạc Việt?
4. Nếu chỉ nên phổ biến nhạc phương Tây, thì có những sự khó khăn gì?
Và có những cách gì tiện lợi và hiệu nghiệm nhất.
• để huấn luyện nhạc sĩ;
• để cho quần chúng hiểu được và ưa được.
5. Nếu bạn chủ trương phục hưng hoặc cải cách, thì theo đường lối nào,
và cần điều kiện gì? Nhạc cổ Việt Nam hay nhạc mới gọi là ‘cải cách’,
hiện nay có những ưu điểm, khuyết điểm gì?
6. Ý kiến về tương lai nhạc Việt hoặc tương lai nghệ thuật nhạc tại Việt
Nam.

----------------------------------------------

BÀI SỐ 2B (1963)

VÕ ĐỨC THU

• Sinh tại Sài Gòn, năm 1915.
• Học nhạc từ 7 tuổi (dương cầm và lý thuyết âm nhạc).
• Năm 22 tuổi, dạy dương cầm và gia nhập một ban nhạc ngoại quốc để
hòa nhạc một buổi chiều tại Hotel Palace.
• 1940 -- Hội viên hội Đức trí Thể dục (SAMIPIC), thành lập và điều hiển
ban nhạc cho hội (gồm 20 nhạc công, toàn là người Việt).
• 1941 -- bắt đầu soạn nhạc và hội viên hội các Tác giả, Soạn giả và nhà
Xuất bản Âm nhạc (SACEM). Sáng tác gồm đủ loại:
 Loại hòa tấu khúc: Một ngày đã qua, Trên sông Bạh Đằng… Loại độc
tấu dương cầm: Việt Nam oán nhạc khúc, Bóng hoàng hôn, Dạo thuyền
trên sông Hương, Bảy biến khúc theo điệu Cò lả, Sáu biến khúc theo điệu
Âu ca Việt Nam….
 Loại song tấu dương cầm và vĩ cầm: Đêm trăng, Bướm xuân….
 Loại thơ phổ nhạc: Tống biệt, Tha hương mộ khúc….
 Loại ca khúc tình cảm: Mưa đêm thu, Mùa hoa thắm, Mây thu, Đàn ai,
Nhớ người xa vắng….
 Loại ca khúc vui tươi, hùng mạnh: Quyết tiến, Trên đường xa, Thôn quê
bình minh, Việt Nam Việt Nam, Bình minh ca khúc, Hồn quê, Đây Sài
Gòn, Lửa dũng….
• 1948 -- Hợp tác với Lê Thương thành lập nhóm ‘Xuân Thu nhạc kịch’ và
lãnh phần điều khiển giàn nhạc của nhóm.
• 1949 -- Được bầu làm hội trưởng hội Khuyến nhạc Nam Việt.
• 1956 -- Được mời dạy dương cầm và ám diễn tại trường Quốc gia âm
nhạc.
• 1962 -- Được bầu làm hội trưởng hội Nghệ sĩ Ca vũ nhạc Việt Nam.


I – Tôi là một giáo sư dương cầm và cũng là một dương cầm thủ
(pianiste) và phong cầm thủ (accordéonist)

Tôi lại là soạn giả âm nhạc và hội viên hội các Tác giả, Soạn giả và nhà
xuất bản Âm nhạc quốc tế (Société d’Auteurs, de Compositeurs et
d’Editeurs de Musique, gọi tắt là SACEM).

Tôi đã được học hỏi khá nhiều về các loại nhạc Tây phương, từ loại nhạc
cổ điển (musique classique), đến loại nhạc bình dân (populary music) mà
ta thường gọi là nhạc jazz.

Tôi cũng đã có nghiên cứu về nhạc cổ truyền Việt Nam.

II – Tôi bước vào ngành nhạc một phần lớn là do thân sinh tôi. Người xuất
thân tại trường Taberd, được học hỏi về đàn vĩ cầm (violon) và phong
cầm (accordion) với các sư huynh của trường, rồi sau dạy tại trường này
và được trau giồi nghệ thuật thêm. Ngoài giờ dạy học, người thường đi
hòa nhạc chung với các nhạc sĩ ngoại quốc tại Hotel des Nations.

Nhờ người mà tôi được học đàn rất sớm, năm lên bảy, tôi học dương
cầm và theo lớp hàm thu Sinat tại Pháp để học phần lý thuyết. Bài học do
thân sinh tôi giảng giải lại. Năm 1925, năm tôi lên mười, Sài Gòn mới bắt
đầu mở trường dạy Âm nhạc dưới sự hướng dẫn của giáo sư ngoại quốc
(tức là École de Musique de Saigon, thường được gọi là Philharmonique,
hiện nay là trường Quốc gia Âm nhạc); tôi được cái hân hạnh là người
Việt độc nhất được theo học lớp dương cầm với các khóa sinh ngoại
quốc, mặc dầu tuổi hãy còn nhỏ. Cũng năm ấy, tôi chiếm được giải danh
dự về dương cầm (Prix d’Honneur de Piano).

Sau đó, tôi ngỏ ý với thân sinh muốn sang Pháp để được tiếp tục học tại
Nhạc viện quốc gia Pháp, nhưng vì gia đình không dư giả mấy, nên tôi
phải ở nhà, tiếp tục học riêng với bà Armande Caron vốn giải nhứt về
dương cầm và hòa âm Nhạc viện quốc gia Pháp. Trong những năm này,
tôi thường được các ban nhạc ngoại quốc, mời đệm dương cầm trong
những buổi hòa nhạc tại nhà Hát lớn Đô thành và tại Philharmonique.

Đến năm tôi hai mươi hai tuổi, tôi bắt đầu dạy dương cầm, số nhạc sinh
của tôi rất đông, gồm có người Việt, người Pháp, người Trung Hoa, người
Ấn Độ, người Nhật Bổn, người Hoa Kỳ, và tôi vui sướng mà thấy trong số
này, có một số người Việt được học hỏi ở nước ngoài, đã thành tài và đã
nổi danh.

Ngoài những giờ dạy nhạc, trong bảy năm liền, vì sinh kế, tôi đã gia nhập
một ban nhạc ngoại quốc để hòa nhạc mỗi buổi chiều tại Hotel Palace, và
đây là một dịp may để tôi học hỏi thêm về nhạc Cổ điển Tây phương, vì
ban nhạc này gồm có những nhạc sĩ có tiếng như Yvonne Leclerc (giải
nhất về violon Nhạc viện Quốc gia Pháp), Renée Bondie (giải nhất về
violon Nhạc viện Toulouse), Becchi (tốt nghiệp Nhạc viện Milan về
violoncello), Charles Roques (giải nhất về bassoon Nhạc viện Quốc gia
Pháp).

Một trong những nỗi vui lớn của tôi là khi thành lập ban nhạc cho hội Đức
trí Thể dục (năm 1940) gồm toàn người Việt và điều khiển ban nhạc hai
chục người này trình diễn vào những buổi lễ, buổi hát do hội tổ chức tại
hội quán và tại nhà Hát lớn Đô thành.

Năm hai mươi sáu tuổi, tôi mới bắt đầu soạn nhạc. Tôi rất chú trọng về
loại nhạc thuần túy, chủ tâm là nâng cao trình độ thưởng thức nhạc của
thính giả Việt, các tác phẩm của tôi đã được các nhà xuất bản trong nước
và ngoại quốc ấn hành như Tinh Hoa, An Phú, Hương Thu, Huỳnh Lâm,
SEMI (tức là Société d’Editions de Musique Internationale, Hội các nhà
xuất bản Quốc tế về Âm nhạc). Riêng các bài sáng tác thuộc các loại hòa
tấu khúc, độc tấu dương cầm, song tấu dương cầm và vĩ cầm đã được
chính tôi trình bày nhiều lần trên sân khấu các nhà hát lớn ở Sài Gòn,
Chợ Lớn, Nam Vang, Huế, Hải Phòng, Hà Nội và lại được Trần Văn Khê,
Võ Đức Lang trình bày ở Pháp. Loại ca khúc được các ban nhạc trình bày
nhiều lần trên làn sóng điện các đài phát thanh trong nước và ngoại quốc
và đã thu thanh vào dĩa thương mại của những hiệu dĩa Oria, Việt Nam,
Philip.

Liên tiếp các năm 1948, 1949, 1950, 1951, tôi cùng Lê Thương đưa ‘Xuân
Thu nhạc kịch’ ra mắt khán giả tại các nhà hát lớn ở Thủ đô và tại Nam
Vang. Và trong những năm 1951, 1953, 1954, tôi thường được mời trình
tấu nhạc tại các nhà hát lớn Huế, Hải Phòng, Hà Nội với ban hợp ca
Thăng Long và ban Gió Nam.

Năm 1955, tôi dự Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế tại Nam Vang cùng phái
đoàn Văn nghệ Việt Nam.

Năm 1955, tôi được bầu làm chủ tịch bộ môn Tân nhạc trong Đại hộc Văn
hóa toàn quốc.

Năm 1958, tôi viết nhạc cho hai cuốn phim Việt: ‘Sự tích Trầu Cau’ và ‘Áo
dòng đẫm máu’ do hang Mỹ Vân sản xuất.

Năm 1959, tôi đứng tổ chức một ban nhạc Biệt thể cho đài phát thanh
Quốc gia và đài phát thanh Quân đội.

Từ lúc còn thơ ấu đến nay, tôi chỉ là một nhạc sĩ tự do, lúc nào cũng hoạt
động phụng sự cho Âm nhạc. Nước chúng ta còn nghèo vì thế Âm nhạc
không nuôi sống người nhạc sĩ được, và nhứt là ông bà chúng ta lúc nào
cũng quan niệm rằng ‘xướng ca vô loại’. Cũng vì lẽ đó mà nghề nhạc
không được trọng dụng, cho nên có lúc tôi phải sống rât vất vả, vì sống
nhờ ở tiền thù lao thôi. Ăn hôm nay còn phải lo cho ngày mai….

III -- Nhạc Tây phương dầu có được phổ biến rộng rãi đến đâu đi nữa thì
cũng chỉ có một số người ưa thích chớ không thể nào đi sầu vào đại đa
số quần chúng được. Còn nói về nhạc cổ điển Tây phương thì số người
hiểu lại còn hiếm hoi nữa, không riêng gì ở xứ ta mà ở các nước tiền tiến
trên thế giới cũng thế. Vì lẽ đó mà một soạn giả nhạc cổ điển Tây phương
ít khi được nuôi sống với soạn phẩm của mình. Chỉ 50 hoặc 30 năm sau,
người ta mới hiểu được và ưa thích, nhưng cũng chỉ với số ít thôi, chừng
đó thì tác giả đã ra người thiên cổ rồi, chỉ có nhà xuất bản hay là con cháu
hưởng quyền lợi của tác giả thôi. Đó là chúng ta nói những nước văn
minh và giàu có hơn chúng ta và họ có đủ phương tiện để truyền bá âm
nhạc cổ điển. Hiện nay ở nước chúng ta, quyền tác giả chưa được nhìn
nhận, như thế tác giả làm sao được nuôi sống với tác phẩm mình? Còn
nếu nói về loại ca khúc thì đâu đâu cũng được nhiều người ưa thích hơn.
Chúng ta hãy nhìn sang các nước như Pháp, Mỹ, Đức. Một bài ca thịnh
hành được xuất bản bao nhiêu lần, được thu thanh vào nhiều hiệu dĩa
hát, và được trình bày cả ngày lẫn đêm từ các nhà hát lớn đến các quán
rượu nhỏ, các đài phát thanh trong nước và ngoại quốc. Những bài hát
như J’ai deux amours, Parlez-moi d’amour, Ca c’est Paris Sous le ponds
de Paris, tôi đã nghe hát và đàn từ lúc còn bé mà bây giờ vẫn còn được
ưa thích. Vì lẽ đó soạn giả ngoại quốc có một đời sống dễ dãi hơn chúng
ta và nhờ thế họ có thể tiếp tục soạn thêm những ca khúc hay hơn nữa.

IV -- Để cho quần chúng hiểu được và ưa thích âm nhạc, nhạc sĩ cần phải
sống gần gũi với họ, tìm hiểu những gì họ cần để cung cấp cho họ, đem
đến cho họ những tình cảm êm dịu hầu quên bớt những nỗi khổ đau hằng
này của họ. Như thế họ cảm thấy sâu xa tiếng đàn là món ăn tinh thần
của họ và lần lần họ sẽ quen và sẽ ưa thích âm nhạc. Chừng đó chúng ta
sẽ dẫn dắt họ đến những phương trời nghệ thuật cao siêu hơn, vì trên
thực tế đời sống hằng ngày của người dân nghèo còn đòi hỏi những gì
cần thiết hơn, chớ không chỉ ngồi nghe âm nhạc suông.

Cũng như một chánh phủ muốn được lòng dân, muốn được dân ưa
chuộng, nghe theo thì cũng phải tìm đến với dân coi người dân thiếu thốn
những gì để cung cấp cho họ, làm cho lòng dân cảm mến mình, rồi chừng
đó muốn nói gì họ cũng nghe theo và họ sẽ hết sức mến phục vậy.

Một nhạc sĩ muốn trình bày một nhạc phẩm để cho dân chúng nghe cũng
phải tùy ở trình độ hiểu biết âm nhạc của từng lớp thính giả và muốn trình
bày một nhạc phẩm không phải dễ dàng như trình bày một họa phẩm. Một
họa phẩm, người ta nhìn thấy được cái đẹp cái hay của nó và sự tổ chức
trình bày ít phức tạp hơn là tổ chức một buổi hòa nhạc, và phải tùy ở
khiếu thẩm âm của từng lớp thính giả.

V -- Nhạc cổ truyền Việt Nam cũng có cái hay cái đẹp của nó nhưng với
một số bài bản đã có từ xưa, chúng ta cố ghi lại thực trung thành theo ký
âm pháp Tây phương để giúp cho những người muốn nghiên cứu học hỏi
và như thế các nhà soạn nhạc chúng ta sẽ giữ được nét nhạc thuần túy
Việt Nam trong các soạn phẩm của mình.

Ngoài công việc giữ gìn ấy chúng ta cứ tiếp tục sáng tác thêm những ca
khúc vui tươi, hùng mạnh mà hiện nay chúng ta gọi là nhạc cải cách, hay
là tân nhạc. Nếu chúng ta nhìn sang các nước bạn chúng ta, như Nhựt
Bản, Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan, họ cũng đã làm thế. Không lẽ chúng ta
đem một nhạc khúc cổ truyền ra tấu lên cho một đoàn quân đi ra biên
cương diệt thù, và đến khi họ trở về trong nhịp bước chiến thắng khải
hoàn, hoặc cho những đoàn thể Thanh niên, Thanh nữ Cộng Hòa,
v.v……..

VI – Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng trong những năm sau này,
nhờ sự khuyến khích sáng nhạc khúc của nhiều cơ quan, như nha Vô
tuyến Truyền thanh, Văn hóa vụ, nha chiến tranh Tâm lý, nha Trung ương
Dân vệ, hiện nay Tân nhạc Việt được phổ biến rất mạnh. Chúng ta hãy
nhìn sự ham mê sáng tác trong giới thanh thiếu niên, sự phổ biến ca nhạc
trong các từng lớp dân chúng, trong các trường trung và tiểu học, trong
các đoàn thể, trong các cơ xưởng, trong các lữ đoàn binh chủng, đâu đâu
cũng có những đoàn văn nghệ được thành lập và những nhạc khúc tình
cảm, vui tươi, hùng mạnh đã được đa số dân chúng ưa thích.

Chúng ta hãy so sánh tình hình Tân nhạc trong những năm đầu tiên của
nó 1938, 1939 và sự tiến triển mạnh mẽ trong những năm sau này: 1961,
1962. Những nhạc hội nối tiếp nhau trình diễn trên các sân khấu của
những hý viện từ thành thị đến thôn quê, những số bài được xuất bản và
số người tiêu thụ càng ngày càng tăng thêm nhiều. Chúng ta sẽ nói rằng,
số ‘lượng’ thì nhiều mà số ‘phẩm’ thì ít, nhưng tình trạng đó ở các nước
văn minh hơn chúng ta cũng không thể nào tránh được.

Chúng ta khổng thể đem so sánh nước Việt Nam chúng ta với các nước
đã có một nền văn minh từ lâu, một nền kinh tế dồi dào phát đạt và hiện
nay họ đang hưởng thái bình thịnh vượng. Đất nước chúng ta trong mấy
năm qua đã bị chiến tranh tàn phá, dân ta phải nghèo còn nghèo thêm và
hiện nay nước nhà bị nạn qua phân, tình trạng khẩn cấp được ban hành
khắp nơi và cũng vì đó số người chơi nhạc đã ít mà cũng phải bị lâm vào
cảnh thất nghiệp. Chúng ta được biết hiện nay đã có những trường Quốc
gia để đào tạo thêm nhiều tài năng kịch và nhạc, nhưng nếu tình trạng
chiến tranh vẫn kéo dài thì những cuộc vui chơi giải trí bị cấm ngăn, rồi
đây những tài năng đó sẽ làm gì để tự nuôi sống?

Tôi chỉ ước mong cho nước nhà được sớm thống nhất và thanh bình
được trở lại trên đất nước yêu quý chúng ta. Chừng đó đời sống của
người dân được bớt khốn khổ phần nào, lúc đó họ sẽ đem hết tinh thần
để học hỏi và hiểu biết những gì gọi là nghệ thuật cao siêu hơn.


Như tôi đã nói trên, tôi chỉ là một nhạc sĩ yêu chuộng tự do và lúc nào
cũng có một đời sống hoạt động độc lập, vì thế nên tôi không có những
ước vọng quá xa vời. Tôi chỉ mong mỗi ngày có công việc làm để nuôi
sống gia đình và được sống gần gũi với dân chúng và thiên nhiên để
trong những sáng tác phẩm của mình, được nói lên đời sống thực tại của
xã hội. Nhưng tôi rất hy vọng rằng nhạc Việt nói chung và Tân nhạc nói
riêng sẽ sống mạnh và sẽ được tiến triển nhiều hơn khi nước nhà được
thống nhất và thanh bình trở về với chúng ta.

Người Việt chúng ta vốn đã sẵn có óc thông minh và lúc nào cũng ham
mê tìm tòi học hỏi thì một ngày gần đây, không riêng gì về ngàn Âm nhạc
mà trên các lãnh vực khác, đều sẽ được mạnh tiến.Sài Gòn, ngày 8 tháng
4 năm 1963
Võ Đức Thu
Anthony Trần

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên