Vào một ngày trong năm 1600, tại ngôi làng nhỏ miền Nam nước Pháp, người người hớn hở vui mừng. Họ hân hoan, hãnh diện vì một người trong dòng họ De Paul chịu chức linh mục khi mới 19 tuổi. Tên vị Linh Mục trẻ là Vinh Sơn. Họ kháo náo bàn bạc với nhau về tài trí, sức khỏe, tính cương nghị và lòng đạo đức của cha mới. Mọi người đều đồng ý rằng Vinh Sơn sẽ là một vị Linh Mục thánh thiện, tốt lành.

Sau khi thụ phong Linh Mục được 5 năm, cha Vinh Sơn có việc phải đi Marseilles. Khi hoàn tất công việc, Cha đáp tầu trở lại xứ nhà. Nhưng không may, tầu của Cha bị bọn hải tặc Mahommed cướp phá, lấy hết đồ đạc hàng hóa, bắt tất cả hành khách và thủy thủ đoàn làm nô lệ, rồi đem bán tại Phi Châu.

Phố chợ thành Turins thật ồn ào, nóng nực và bẩn thỉu. Một đầu phố người ta trưng bày mọi thứ xa hoa: nào da thú, nào vải lụa đủ mầu, nào đồ vàng bạc, nào hoa cảnh xinh tươi; nhưng tận cuối phố, một cảnh mua bán người cũng không kém phần tấp nập. Người ta xem xét, trả giá, thử người như thử những chiếc máy sống; họ xem răng, bắt nhẩy thử như những con bò con trâu. . .Cha Vinh Sơn cũng thuộc thành phần nô lệ xấu số đó.

Cuối cùng, một người thuyền chài đã mua được Vinh Sơn. Nhưng ông này thấy Vinh Sơn đẹp trai và tài khéo nên đem bán lại cho một y sĩ với giá gấp đôi! Thế rồi ngay trong năm đó vị y sĩ chết, người nô lệ tên Vinh Sơn lại bị đổi chủ. Ông chủ mới là một Kitô hữu, nhưng như chiên lạc xa đàn! Cha Vinh Sơn biết điều dó, nên tìm cách chinh phục, và cuối cùng tỏ cho ông biết mình là Linh Mục. Sau đó ít lâu, cả tớ lẫn chủ cùng đi về Pháp, tại đây, ông chủ sống đời còn lại trong xám hối.

Về tới quê nhà, Cha Vinh Sơn được chỉ định coi sóc một xứ đạo nghèo nàn và tồi tàn cả về vật chất lẫn tinh thần, đến nỗi không một Linh Mục nào muốn đến nhận xứ đó! Tuy nhiên, dưới sự chăm sóc và lòng từ ái, thánh thiện của Cha Vinh Sơn, đàn chiên đáng thương đã dần dần trở về nẻo chính.

Ngoài công việc giáo xứ, Cha Vinh Sơn còn đi thăm bến tầu, nơi đây, các tù nhân phải phục dịch dưới tầu như bọn nô lệ. Điều kiện thể lý của họ cũng đáng thương như tình trạng tinh thần. Nếu họ yếu bệnh không làm việc được, liền bị đưa lên bờ ném vào tù. Tại đó, họ phải mang xiềng sắt, nằm trong các xà lim tồi tàn ẩm thấp, cho tới khi thiên nhiên chữa họ khỏi bệnh, hoặc cái chết tới giải thoát họ! Cha Vinh Sơn thường thăm viếng những người xấu số này, cho họ ăn, và chỉ giáo cho họ. Vể sau ngài mua một ngôi nhà rồi biến thành nhà thương, dành riêng để chăm sóc bọn tù đáng thương đó và những người bệnh hoạn khác.

Ngoài ra, Cha Vinh Sơn còn đến tận những ngôi làng xa xôi hẻo lánh, nơi ít khi thấy bóng dáng vị Linh Mục. Tại đây Cha dậy dỗ, rao giảng lời Chúa, chinh phục người ngoại giáo. Thực ra, phải cần rất nhiều Linh Mục làm công việc này, vì “lúa chín đầy đồng, nhưng thợ gặt lại ít”. Do đó, năm 1632, được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Urbanô III, Cha Vinh Sơn lập Dòng Các Cha Thừa Sai ( thường gọi là các Cha Dòng Vinh Sơn). Và một năm sau đó, cùng với thánh nữ Louise de Marillac, ngài lập Dòng nữ Tử Bác Ái!. Đây là cộng đoàn các nữ tu chuyên chăm sóc những người nghèo nàn, bệnh tật, tù nhân, và các trẻ mồ côi. Ngài bắt đầu lập thêm nhà, xây thêm bệnh viện. Rồi chẳng bao lâu , số Linh Mục ngày càng cần thiết cấp bách hơn, Cha Vinh Sơn phải thiết lập chủng viện để đào tạo Linh Mục.

Để thực hiện những chương trình cứu đời của ngài, Cha Vinh Sơn cần có nhiều tiền. Rất may, nhiều bậc mệnh phụ chẳng những giầu của lại giầu tình thương, họ thu góp tiền của, tiếp tay với Cha Trong việc giúp đỡ người nghèo và các bệnh nhân đáng thương. Ngoài ra Cha còn xuất bản một tờ tạp chí mang tên “Tạp Chí Bác Ái”, do chính tay ngài viết và in lấy. Tiền thu được do tờ tạp chí, Cha Vinh Sơn dùng để tổ chức những trạm phát cháo cho những người nghèo đói nhất thuộc xã hội Pháp.

Như các bậc vĩ nhân xưa nay, Cha Vinh Sơn cũng bị một số người thù ghét, họ bịa chuyện phao tin rằng Cha dùng tiền dâng cúng để phục vụ cho mục đích riêng tư. Tuy nhiên tin đồn nhảm này chẳng mấy chốc đã tan biến. Dân chúng đều nhận thức được đức tính cao thượng và tình yêu thương vô vị lợi của ngài đối với người nghèo.

Chăm sóc những người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi là trung tâm điểm cuộc sống của Cha Vinh Sơn . Tất cả đều là anh em của ngài trong Chúa Kitô và với Chúa Kitiô, Đấng ngài kết hợp mật thiết qua công việc bận rộn ban ngày cũng như qua những giờ nguyện cầu sốt sắng ban đêm. Một mình ngài làm việc bằng cả chục người khác, nhưng ngài không hề quên sót việc cầu nguyện và suy ngắm. Tình yêu Chúa Kitô chính là động lực thúc đẩy ngài xả thân vì đồng loại.

Cha Vinh Sơn luôn khỏe mạnh, hăng say làm việc bác ái cho tới năm 79 tuổi. Thế rồi cơn cảm sốt đến hành hạ cơ thể ngài tới chết. Ngài giã từ cõi thế ngày 27 tháng 9 năm 1660, và được phong thánh năm 1737. Năm 1885 thánh Vinh Sơn được tôn làm Quan Thầy các tổ chức Bác Ái.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên