Nguyễn Công Trứ
Than Nghèo
Chửa chán ru mà quấy mãi đây,
Nợ nần dan díu mấy năm nay.
Mang danh tài sắc cho nên nợ,
Quen thói phong lưu hóa phải vay.
Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,
Anh hùng khi gắp cũng khoanh tay.
Còn trời, còn đất, còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này ?



o0o



Có lẽ ta đâu mãi thế này,
Non sông lẩn thẩn mấy thu chầy.
Đã từng tắm gội ơn mưa móc,
Cũng phải xênh xang hội gió mây.
Hãy quyết phen này xem thử đã
Song còn tuổi trẻ chịu chi ngay ?
Xưa nay xuất xử thường hai lối,
Mãi thế rồi ta sẽ tính đây.



o0o



Mãi thế rồi ta sẽ tính đây,
Điền viên thú nọ vẫn xưa nay.
Giang hồ bạn lứa câu tan hợp
Tùng cúc anh em cuộc tỉnh say.
Tòa đá Khương Công (1) đôi khóm trúc,
Áo xuân Nghiêm Tử (2) một vai cày
Thái bình vũ trụ càng thong thả,
Chẳng lợi danh gì lại hóa hay.



o0o



Chẳng lợi danh gì lại hóa hay,
Chẳng gì phiền lụy chẳng ai rầy.
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp,
Trong thú yên hà mặc tỉnh say.
Liếc mắt coi chơi người lớn bé
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay.
Của trời trăng gió kho vô tận,
Cầm hạc (3) tiêu dao đất nước này.




--------------------------------------------------------------------------------




Vịnh Cảnh Nghèo
Chẳng phải rằng ngây chẳng phải đần
Bởi vì nhà khó hóa bần thần.
Mấy đời thầy kiện mà thua mẹo,
Nghĩ phận thằng nghèo phải biết than.
Số khá bĩ rồi thời lại thái
Cơ thường đông hết hẳn sang xuân.
Trời đâu riêng khó cho ta mãi,
Vinh nhục dù ai cũng một lần.



o0o

(1) Khương Công: tức Khương Thượng (còn được gọi là Khương Tử Nha, Lã Thượng, Lã Vọng) thường ngồi câu ở bến sông Vị trước khi ra giúp vua Chu Văn Vương.
(2) Nghiêm Tử: tức Nghiêm Tử Lăng, người đời Đông Hán, trước khi đắc dụng thường đi cày ruộng ở núi Phú Xuân.

(3) Cầm hạc: điển tích Triệu Thanh Hiến đời Tống đi làm quan ở đất Thục chỉ đem theo một cây đàn và một con chim hạc.
Đi Thi Tự Vịnh | Nguyễn Công Trứ

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên