Hoàng Đạo
- Phở có nóng không bác?

- Nóng.

- Vậy bác bán cho tôi ba xu.

Cậu bé đặt sáu đồng trinh lên mặt gánh, lặng yên đứng nhìn người bán phở nhấc môi bánh nóng hôi hôi đặt vào bát. Hơi nóng trong nồi nước dùng bay tỏa ra từng đám trắng, gió chiều thổi tạt về đầu phố.

Bằng đứng phía cuối gió, đương thẫn thờ cúi xuống nhìn cỏ, bỗng giật mình ngước mắt lên. Vô tình ngọn gió đã đột ngột đem theo mùi thơm ngào ngạt làm giác quan chàng rung động. Bằng quen tay thò vào túi, và sực nhớ rằng đồng hào cuối cùng chàng đã tiêu hết từ chiều hôm trước, cả gia tài chỉ còn một đồng trinh.

Lại một làn gió thơm đưa tới, nhẹ nhàng vờn mớ tóc rối của Bằng. Như đột nhiên nghĩ đến một việc cần, Bằng hấp tấp rảo bước đi thật nhanh. Qua gánh phở, chàng ngoảnh mặt chăm chú nhìn một bông hồng lách qua giậu sắt, rung rinh trước gió, hình như không nghe thấy tiếng hàng phở chào:

- Mời thầy mua cho một bát.

Thực thì Bằng vẫn nghe rõ lắm. Nhưng chàng không muốn lên tiếng từ chối trong khi lòng chàng rạo rực nôn nao. Chàng đói. Chàng đói lắm: từ sáng đến giờ, chưa có một hột cơm nào trong bụng, mà cứ thế lang thang hết phố này sang phố khác.

Bằng lang thang đi tìm việc làm. Đã hai tháng nay, từ hôm Sở dầu thải hơn sáu chục người làm công, không có ngày nào là Bằng không đi như vậy. Chàng chỉ biết có một nghề đánh máy chữ và tính sổ, mặc dầu cha mẹ chàng xưa kia chuyên nghề làm ruộng. Đáng lẽ như người khác, Bằng bây giờ đã vác cày ra đồng, khó nhọc kiếm lấy miếng ăn dưới ánh nắng thiêu, trong những ruộng lầy. Nhưng thuở nhỏ chàng chăm chỉ và thông minh hơn trẻ khác, nên cha mẹ chàng cố nuôi chàng ăn học, có mấy sào ruộng bán dần đi hết. Bằng vì thế trở nên một thầy ký. Công việc có nhẹ nhàng nhưng cảnh người làm công, cảnh bức bách. Có điều mỗi lúc về quê, họ hàng đối với chàng đều có vẻ trọng vọng tôn kính. Còn chàng chắc cũng an phận, nếu kinh tế không khủng hoảng. Nhưng đã gần một năm nay, sở nào cũng nghe thấy nói đến việc thải người làm. Trong Sở dầu, anh em thường thì thầm bàn đến một cách sợ sệt. Duy ai nấy cũng thầm tưởng, thầm mong rằng có thải cũng không đến mình. Bỗng một hôm, đương lúc mọi người cặm cụi làm việc, người loong toong chạy vào:

- Mời các ông lên quan Đốc gọi.

Trong phòng giấy rộng rãi, sang trọng, ông Đốc đứng nghiêm trang trong bộ áo là nếp thẳng thắn. Ông cám ơn mọi người đã làm hết phận sự, rồi ông tỏ nỗi lòng ông băn khoăn, khổ sở mấy hôm vừa qua:

- Các ông ạ, sự khủng hoảng bắt buộc chúng tôi phải rời các ông, tôi lấy làm tiếc vô hạn. Tôi mong sẽ có ngày kia, kinh tế vững chãi và các ông sẽ lại về làm ở đây.

Nói xong, ông Đốc xem vừa ý lắm, thắt lại cái cà vạt, vuốt lại mái tóc mượt, vẻ mặt sung sướng khoan khoái, ông bước lên xe ô tô hòm giục tài xế đưa đến một khách sạn sang để dự bữa tiệc chiều.

Trong khi ấy, các ông Ký bị thải ngơ ngác nhìn nhau, rồi buồn bã người nào trở về nhà nấy với mâm cơm cà và rau muống luộc.

Ngày theo ngày, những ngày dài dằng dặc, những ngày ngồi rỗi với một tâm hồn chán nản, với cuộc tương lai mập mờ bất trắc. Mâm cơm cà và rau muống dần dần cũng không có nữa. Bằng đã tới cái cảnh ngao ngán ấy. Về quê làm nghề nông thì không còn một thửa ruộng - Bằng cũng tự biết không đủ sức cầy sâu, cuốc bẫm - và làm thợ thì không biết nghề gì, Bằng chỉ còn mong tìm được một chân bàn giấy. Chàng tiêu dần hết cả tiền dành dụm, mà không có chút hy vọng nào.

Ngày hôm nay, chàng không còn một đồng xu dính túi. Đã vậy, chủ nhà, bà Cai Đá, lại nhất định đòi tiền thuê nhà, và sau một hồi thuyết lý mỉa mai, bà ta hẹn lại cho Bằng đến sáng mai phải trả, nếu không thì đứng trách.

- Đừng trách!

Bằng nhếch mép cười một cách chua chát, tâm trí đầy rẫy nỗi uất ức, tức giận. Chàng ngẫm nghĩ:

- Dốt nát ngu xuẩn như mụ Cai Đá thì chỉ việc ngồi duỗi mà sống một cách sung sướng đầy đủ, còn mình muốn làm vất vả cả ngày để nuôi thân mà cũng không được. Ông trời bất công thực.

Bằng ngửa mặt nhìn lên không trung. Trời chiều trong xanh như ngọc thạch. Mấy đám mây hồng nhẹ nhàng trôi. Bằng cảm thấy rõ sự vô lý của lòng oán hận một cảnh vật vô tình, thản nhiên...

Bỗng chàng giật mình. Một tiếng còi gắt gỏng, một câu nói bẳn và một cái xe ô tô vụt qua trước mặt chàng. Chỉ chậm một giây nữa thì Bằng bị ô tô cán phải. Thì ra chàng bước xuống đường nhựa lúc nào không biết.

Sợ hãi, Bằng lùi lên bờ hè, mới hay mình ở trước vườn hoa nha Đốc lý. Mệt nhọc, chàng ném mình xuống một cái ghế dài gần đấy, ôn lại cái nạn vừa xảy ra:

- Thật là chết hụt!

Ngẫm nghĩ, chàng tắc lưỡi:

- Chà! Chết mà lại hay... Sống khổ sở thế này thì cũng chẳng nên sống làm gì.

Thở dài, chàng xua đuổi ý nghĩ chán nản nhìn ra chung quanh. Trời đã nhá nhem tối, những bông cúc trắng rung rinh trong ánh sáng mờ mờ khiến Bằng nhớ đến cảnh xa hoa của tết năm nào.

Có tiếng nói sẽ như đáp lại ý nghĩ của Bằng:

- Lạy thầy dón tay làm phúc.

Trông người ăn mày hốc hác, rách rưới, đứng chĩa tay trước mặt,

Bằng nở một nụ cười buồn tênh, lắc đầu ra hiệu rằng mình không có tiền. Người ăn mày vẫn nhẫn nhục đứng lải nhải xin. Bằng đứng dậy móc túi lấy đồng trinh còn lại ném cho, rồi vừa đi vừa nói một mình.

- Thế là hết.

Chàng lần theo những phố đông đúc, trong lòng thấy vui vui vì đã cứu một người nghèo khó hơn mình. Thấy đói và mệt, chàng dừng lại nhìn một cửa hàng bán vàng bạc, tò mò ngắm nghía những chiếc nhẫn dát kim cương lóng lánh bên cạnh mấy đôi xuyến huyền nạm vàng.

- Nếu ta có một chiếc xuyến kia nhỉ?

Bỗng một ý nghĩ bất chính nẩy ra trong trí Bằng. Như muốn tránh sự cám dỗ, chàng ngoảnh nhìn sang một cửa hàng ở dãy bên kia phố. Trong khung kính, mấy miếng xúc xích đương lơ lửng trên vài chiếc bánh tây ngon lành, và những chiếc bánh sữa đương phơi màu vàng ngọt dưới ánh điện sáng trưng. Bằng rùng mình, tưởng tượng ra một bữa tiệc long trọng, những chiếc bánh đặt trong giỏ mây bên cạnh những cốc pha lê trắng muốt, những đĩa thịt thơm tho. Bằng rùng mình, vì ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người khác đã hình thành trong óc chàng và xui giục chàng thò tay vào lấy trộm chiếc xuyến.

- Họ có mất chiếc xuyến cũng không sao, mà ta lại được một bữa cơm ngon.

Bằng thò đầu vào cửa hàng bỏ vắng, bỗng chàng nhìn thấy bóng trong gương, mặt mày len lét, bơ phờ. Chàng kêu rú lên một tiếng rồi cắm cổ chạy như tội nhân đi trốn.

Về đến nhà, Bằng mới hoàn hồn, chàng nằm vật xuống phản, thở hồng hộc, như vừa mới thoát khỏi một cái nạn to: thiếu chút nữa, chàng đã thành một thắng ăn cắp. Nhưng nghĩ đến cách sống ngày mai, Bằng càng bối rối. Biết làm gì mà nuôi được thân bây giờ, ngoài việc bất chính? Hay là đi hành khất? Bằng nhớ lại người ăn mày ở vườn hoa Đốc lý, nhớ lại cái nạn ô tô suýt nữa xảy ra. Chàng than thở:

- Nó chẳng đè chết đi cho rảnh chuyện.

Một tư tưởng vụt ra trong trí, khiến chàng thẫn thờ lẩm nhẩm:

- Âu là...

Rồi Bằng ôm mặt nức nở khóc.

*
* *

Mặt trời đã lên cao. ánh nắng êm đềm xiên qua cửa sổ. Bà Cai Đá trỗi dậy, với lấy ống nhổ, gọi con sen:

- Đỏ, mày chạy xuống đòi thầy Bằng tiền nhà đi.

Rồi bà lẩm bẩm:

- Lần này mà không trả thì bà bảo cho. Đã hai tháng của người ta rồi, mà cứ chây ra, người đâu mà trơ đến thế!

Con sen vừa mới bước xuống cầu thang, bà Cai Đá khoác vội cái áo dài, chạy liền theo, nét mặt hầm hầm.

Đến cửa phòng Bằng ở, bỗng bà đứng dừng lại, ngạc nhiên. Bà trông thấy Bằng ngồi trên thành cửa sổ tay gõ dịp xuống tường, miệng hát nghêu ngao...

- Thế nào, thầy trả tiền nhà tôi đi chứ?

Như không nghe thấy câu hỏi của bà Cai, Bằng cúi hẳn người ra ngoài, nhìn chòm lá long não phấp phới rung rinh trước gió, tươi cười như một cô con gái nhí nhảnh. Bằng không hiểu sao mình vẫn còn sống mà ra đây nhìn ánh sáng và chàng lấy làm lạ rằng sao lúc nãy chàng lại cảm thấy một cách đằm thắm hơn mọi khi, cái vui, cái đẹp của đời.

Rút từ tập truyện ngắn Tiếng đàn,
Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1941
chán nản | Từ ngày mẹ chết

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên