1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13

Nguyễn Nhật Ánh
Chương 9: Trước Vòng Chung Kết
Các cầu thủ đội “Sư tử” đều ngạc nhiên khi thấy thủ lĩnh Hùng bụi cắp sách đi học lớp phổ cập ban đêm. Trước đây, hồi đầu tháng chín, biết bao nhiêu người tới tận nhà kêu Hùng bụi đi học mà nó đâu có chịu nghe. Hết bác tổ trưởng dân phố tới các anh ở phường đoàn rồi các thầy cô giáo nữa, chẳng ai lay chuyển nổi ý chí sắt đá của Hùng bụi. Bà ngoại nó và dì nó nói nó còn không nghe nữa là. Vậy mà bây giờ, khi các trường phổ cập đã nhập học hơn một tháng rồi, Hùng bụi lại lò dò tới lớp, xin vô học. Các cầu thủ đội “Sư tử” thắc mắc ghê lắm. Trước đây, noi gương Hùng bụi cả bọn đều “tẩy chay” việc học văn hóa. Trừ Thuận ròm suốt ngày chơi nhong, còn thì đứa nào cũng có “nghề nghiệp” đàng hoàng. Minh Mông Cổ bán báo, Long quắn bán thuốc lá, Sơn cao giữ xe đạp, Tâm sún trông coi quán hàng, Hùng bụi và thằng Sĩ lượm giấy vụn. Ðứa nào cũng có công ăn việc làm, đi học làm cái quái gì, lại phải nhốt mình trong lớp cả buổi, tù túng thấy mồ. Dòng đời đang trôi chảy êm xuôi như vậy thì đùng mội cái, Hùng bụi đi học.
Cả bọn lập tức cử Long quắn là đứa chơi thân với Hùng bụi nhất tới gặp đội trưởng để thăm dò hư thực.

Thực ra, Hùng bụi chẳng muốn giấu giếm bạn bè chuyện đi học của mình. Hồi trước, bị ba má bỏ rơi, Hùng bụi sinh ra chán đời, không thèm đi học nữa, mặc dù lúc đó nó vừa được lên lớp hai. Bà ngoại nó và dì nó hết nói nặng tới nói nhẹ, khuyên nó tiếp tục học hành để đảm bảo tương lai. Nhưng trong hoàn cảnh đau khổ, nó chẳng tìm thấy một ý nghĩa đẹp đẽ nào trong việc học tập và nói chung, nó không còn thiết tha với bất cứ việc gì ngoài chuyện chạy nhảy rong chơi cùng bạn bè. Không dè mỗi ngày một lớn lên, nó cảm thấy việc mù chữ gây ra bao nhiêu là trở ngại trong cuộc sống hàng ngày của nó. Khi đi ngang qua rạp xi-nê, thấy tấm trang quảng cáo vô cùng hấp dẫn nhưng không làm sao đọc được tên phim, Hùng bụi bứt rứt ghê gớm. Nó chỉ đọc được mấy con số từ một đến mười. Đó là do nó thường chơi bài cào ăn tiền với tụi bạn. Còn ngoài ra thì mù tịt. Hùng bụi thỉnh thoảng lại âm thầm đau khổ với ý nghĩ đó. Nhất là gần đây, thằng Tân “lòe” nó về cuốn luật bóng đá khiến mỗi lần nghĩ tới, nó lại tức anh ách. Rồi chuyện đọc báo, chuyện tấm bảng tỉ số trên sân vận động Thống Nhất nữa. Thế là Hùng bụi quyết định đi học trước sự ngạc nhiên và sung sướng của bà ngoại nó và dì nó.

Thoạt đầu, nó tính rủ rê thêm vài đứa trong đội “Sư tử” cùng đi cho vui. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nó đành thôi. Trước đây, nó đã từng tuyên bố hùng hồn “Ở nhà đi lượm bao ny-lông, khoái hơn!” trước tụi bạn, không lẽ bây giờ lại vác mặt tới rủ tụi nó đi học.

Thành ra, khi thấy Long quắn mò tới, Hùng bụi mừng lắm:

- Ê, đi đâu đó mày?

Long quắn không trả lời. Nó nhìn Hùng bụi từ đầu tới chân như đang quan sát một hiện tượng lạ.

- Bộ tao lạ lắm sao mà mày nhìn kỹ vậy? - Hùng bụi nhăn nhó.

Long quắn vẫn không trả lời. Nó hỏi:

- Nghe nói mày đi học hả?

- Ừ! - Hùng bụi đáp bằng một giọng cảnh giác.

Long quắn bắt đầu chất vấn:

- Sao hôm trước mày nói không thèm đi học?

Hùng bụi quay mặt đi chỗ khác:

- Thì hôm trước khác hôm nay khác...

Long quắn vỗ tay lên thùng thuốc lá:

- Tụi nó nói mày thất hứa.

Hùng bụi nhún vai:

- Tao có hứa hồi nào đâu.

- Mày không hứa nhưng mày nói. Nói cũng như hứa! - Long quắn vẫn không chịu thôi.

Hùng bụi biết khó lòng giải thích cho vị sứ giả này hiểu ra mọi chuyện. Nó nhíu mày tính kế:

- Mày muốn đọc sách không?

Long quắn trợn mắt:

- Mày mà có sách?

- Ðâu có. Ðây là sách của dì tao. Cuốn “Cuộc phiêu lưu của Rô-bin-xơn”. Hay lắm!

- À, tưởng gì! Tao coi phim đó rồi!

Hùng bụi trề môi:

- Phim khác, sách khác chớ! Sách hay hơn gấp ngàn lần!

Thấy Long quắn có vẻ thèm thuồng, Hùng bụi tấn công thêm:

- Mày đọc không? Cuốn sách dày hơn hai trăm trang lận. Tao chạy vô lấy cho mày mượn nghe.

Nghe Hùng bụi quảng cáo cuốn sách dày tới hơn hai trăm trang, Long quắn muốn nổi da gà. Trong bọn chỉ có Minh Mông Cổ, Tâm sún và Long quắn là biết chữ. Nhưng so với hai đứa kia thì Long quắn kém hơn nhiều. Tâm sún và Minh Mông Cổ cầm tờ báo đọc làu làu, còn Long quắn thì phải đánh vần vất vả từng chữ một. Một cuốn truyện tranh mười sáu trang, không bao lăm chữ mà Long quắn đọc cả buổi mới xong. Do đó, khi nghe Hùng bụi có hảo ý cho mượn cuốn “Rô-bin-xơn”, Long quắn thở dài:

- Thôi, tao không đọc đâu.

Hùng bụi giả bộ ngạc nhiên:

- Ủa, sao vậy? Bộ mày chê dở hả?

- Ðâu có! - Long quắn gãi đầu - Sách dày quá tao đọc không nổi. Mày có cuốn nào mỏng mỏng không?

- Sách của dì tao cuốn nào cũng dày không hà. Có cả truyện Tề Thiên Ðại Thánh nữa.

Long quắn liếm môi:

- Cũng hai trăm trang hả?

Hùng bụi cười tươi như hoa:

- Ðâu có! Khoảng ba trăm trang lận!

Long quắn nheo mắt nhìn bạn:

- Thôi đi! Mày đừng có chơi xỏ tao. Tao cóc thèm đọc thứ sách của mày!

Thấy thời cơ đã chín muồi, Hùng bụi kết thúc cuộc nói chuyện bằng cách nhe răng tuyên truyền:

- Vậy mà không chịu đi học!

- Mày cũng đâu có đọc được chữ nào mà đòi bày khôn tao! - Long quắn khịt mũi.

- Vậy tao mới đi học.

- Mày làm như đi học là đọc được liền không bằng.

- Chớ sao nữa!

- Xạo!

- Thiệt! Anh Long nói rõ ràng.

Long quắn chớp mắt:

- Anh Long nói vậy hả?

- Ừ, chính ảnh nói mà! Ðó, mày không thấy tụi “Mũi tên vàng” sao?

- Tụi nó học lâu rồi chớ bộ.

- Thì mình học một thời gian cũng bằng tụi nó thôi, cũng lâu vậy!

Long quắn hơi xiêu xiêu. Nó biểu Hùng bụi:

- Ðâu, mày chạy vô lấy truyện Tề Thiên ra tao coi thử coi!

Biết Long quắn chưa tin mình, Hùng bụi chạy vô ngăn kéo của dì, lục cuốn sách có vẽ hình con khỉ cầm thiết bảng đem ra đưa cho Long quắn. Thằng này cầm cuốn sách, xuýt xoa:

- Hình Tề Thiên “độc” quá hả mày?

- Tề Thiên thì hết sẩy rồi! Tao nghe dì tao kể nó biến hóa dữ lắm.

Long quắn lật qua lật lại cuốn sách một hồi rồi trả cho Hùng bụi:

- Thôi, mày cất đi! Hôm nào tao sẽ mượn!

Hùng bụi sáng mắt:

- Vậy là mày chịu đi học rồi chớ gì?

Long quắn chép miệng:

- Cũng chưa biết! Ðể tao hỏi ý kiến ông bà già đã.

Vị sứ giả ôm thuốc lá ra về với một tâm trạng ngổn ngang. Tụi nhóc đón Long quắn với hàng chục câu hỏi:

- Nó nói sao mày?

- Nó đi học thiệt hả mày?

- Nó đi học được mấy bữa rồi?

- Bà ngoại nó bắt nó đi hả?

Long quắn lắc đầu:

- Không ai bắt buộc nó hết. Tự nó đi.

Sơn cao nhịp tay lên quầy hàng của Tâm sún:

- Nó có nói tại sao nó đi học không?

- Nó nói để biết đọc! - Long quắn trả lời.

Sơn cao xịt nước miếng qua kẽ răng:

- Biết đọc làm quái gì! Tao cóc biết đọc mà vẫn kiếm ra tiền dài dài.

Sĩ hùa theo:

- Tao cũng cóc cần biết đọc. Đi lượm giấy vụn khoái hơn đi học nhiều!

- Nó đi học ban đêm chứ bộ!

- Ban đêm tao khoái coi ti-vi hơn! - Sĩ tiếp tục bài bác.

Long quắn tỏ vẻ khó chịu:

- Ðó là mày khoái thôi. Ðâu phải đứa nào cũng giống mày.

Sơn cao chen vô:

- Ðứa nào cũng vậy thôi. Tao cũng khoái coi ti-vi hơn.

Cả bọn lập tức nhao nhao:

- Tao cũng khoái coi ti-vi!

- Coi ti-vi thích hơn!

- Tao cũng vậy!

Long quắn như bị bao vây giữa một làn sóng phản đối. Nó tức giận tuyên bố:

- Còn tao, tao khoái đi học!

Nói xong, nó ôm thùng thuốc lá đi thẳng ra đường trước sự kinh ngạc của đồng bọn.

Nhưng trong đội “Sư tử” không phải chỉ có Long quắn là đứa duy nhất bị Hùng bụi quyến rũ. Lần lượt, Minh Mông Cổ, Tâm sún, Thuận ròm đều bị Hùng bụi chinh phục. Dù sao, đó cũng là ý kiến của đội trưởng, dù cuộc đời không phải lúc nào cũng giống như sân cỏ. Chỉ có Sĩ và Sơn cao là không chịu khuất phục trước ánh sáng của lớp học. Sơn cao thì vì tối nào cũng ở bãi giữ xe, do đó nó không màng đến chuyện học tập học tiếc lôi thôi. Còn thằng Sĩ thì từ trước đến nay, nó luôn luôn muốn tỏ ra độc lập đối với Hùng bụi, thành ra nó không muốn bị Hùng bụi lôi kéo dễ dàng. Nhưng rồi, vì cứ tối đến, tụi bạn đều kéo rốc nhau đi học, ở nhà một mình không biết chơi với ai, cuối cùng Sĩ cũng lò dò tới lớp.

Ðội “Sư tử” không học chung một lớp. Minh Mông Cổ và Tâm sún học lớp ba. Long quắn học lớp hai. Còn Hùng bụi, Thuận ròm và Sĩ thì học lớp một vì không đứa nào biết chữ.

Ngay hôm đi học đầu tiên, thằng Sĩ đã gây náo loạn lớp học rồi.

Khi cô giáo đang chép bài trên bảng thì Sĩ thò tay kéo tai một đứa ngồi bàn trên.

Thằng này đau quá la “oái” một tiếng khiến cô giáo quay lại:

- Các em giữ im lặng, đừng làm ồn nghe.

Nạn nhân của Sĩ đứng bật dậy:

- Thưa cô, thằng này kéo tai em!

Cả lớp quay đầu dòm hai kẻ gây rối.

Cô giáo lên tiếng:

- Em đừng nên gọi bạn là thằng này thằng nọ. Gọi là bạn nghe nó êm tai hơn, em nhớ nghe.

Rồi cô quay sang Sĩ:

- Sao em lại kéo tai bạn? Ðừng nghịch như vậy nữa nghe!

Sĩ sừng sộ:

- Tại nó ngồi che mắt em đó cô! Cái đầu nó bự tổ chảng mà nó không chịu xê qua một bên cho em nhìn lên bảng.

Cô giáo khoát tay:

- Như vậy thì em nói nhỏ nhẹ với bạn, mắc gì phải kéo tai! Thôi, hai em ngồi xuống đi! Nhớ đừng có gây chuyện nữa.

Cô giáo vừa quay lên thì Sĩ chồm tới thụi cho thằng kia một cú vô lưng. Lập tức thằng này vung tay đánh lại. Vì bất ngờ trong lúc mặt đang đưa ra phía trước, Sĩ bị đấm một cái “bốp” ngay quai hàm. Nó nổi nóng, trèo qua bàn tính nhảy xổ vô thằng kia quyết ăn thua đủ. Thấy mặt mày đối thủ đằng đằng sát khí, thằng kia sợ quá, vội nhảy lên bàn vọt chạy. Sĩ đuổi theo. Nghe rầm rầm sau lưng, cô giáo quay lại và thấy hai đứa học trò khi nãy đang đuổi đánh nhau trên bàn. Hai đứa rượt nhau quanh phòng, nhảy từ bàn này sang bàn khác, miệng chửi nhau loạn xạ. Bàn ghế đổ ầm ầm, đám con gái la thất thanh, tụi con trai lớn thì hò hét cổ vũ khiến không khí “trận đánh” trở nên hỗn loạn dữ dội. Tiếng khóc ri rỉ của đám con nít nhỏ và tiếng la của cô giáo bị át đi trong sự ồn ào, không gây nên sự chú ý nào đáng kể.

Hùng bụi và Thuận ròm kêu đến khản giọng nhưng hầu như Sĩ không nghe thấy. Nó mải say sưa đuổi đối thủ chạy muốn vắt giò lên cổ. Thằng kia chạy một hồi, mồ hôi toát dầm dề, thở hết muốn nổi, lại thấy bàn ghế ngã chổng kềnh ra đất, biết không thể nào thoát khỏi tay đối thủ nếu cứ tiếp tục chạy quanh trong lớp. Do đó, thừa lúc chạy ngang qua cửa sổ, nó co giò phóng một cái “vù”, bay ra ngoài sân. Sĩ cúi vội xuống chỗ ngồi, vồ lấy cuốn tập cô giáo mới phát, nhét vô lưng quần rồi phóng qua cửa sổ, vội vã đuổi theo. Trong thoáng mắt, cả hai mất hút trong bóng đêm.

Lớp học bừng tỉnh trở lại như sau một cơn ác mộng. Cô giáo và học trò phải xúm lại khiêng đống bàn ghế đang ngổn ngang như một bãi chiến trường.

Buổi học hôm sau, Sĩ vẫn tới lớp. Chỉ có đối thủ của nó là trốn mất tiêu.

Tới lúc chép bài, Sĩ khều tay Thuận ròm:

- Xé tập cho tao xin một tờ mày.

- Làm gi?

- Tao chép bài.

- Tập mày đâu?

- Tao làm mất rồi.

- Xạo đi mày.

- Thiệt mà. Hôm qua tao làm rớt.

Thuận ròm nheo mắt ngó bạn, cười mũi:

- Mày làm rớt vô bao giấy vụn của mày chớ gì?

- Bậy! Tao làm mất thiệt đó.

Thuận ròm rụt cổ:

- Tao không tin. Mày bán ký lô thì có.

Thuận ròm kiên quyết không cho giấy. Sĩ đành ngồi không. Nó không muốn nhờ vả Hùng bụi. Rảnh rang chẳng biết làm gì, Sĩ rút cây viết chì trong túi áo ra, bắt đầu vẽ bậy trên bàn.

Lát sau cô giáo đi xuống lớp và bắt gặp thằng Sĩ đang ngồi loay hoay tẩy tẩy xóa xóa mấy cái hình vẽ ngoằn ngoèo. Cô liền hỏi:

- Sao em không chép bài?

Thằng Sĩ đứng dậy, thưa:

- Em làm mất tập rồi ạ.

Cô giáo lộ vẻ sửng sốt:

- Cô mới phát tập cho em hôm trước đây mà!

Mặt thằng Sĩ hiền khô:

- Dạ, nhưng em làm mất rồi. Mới mất đây ạ.

- Sao vậy?

- Bữa nay em về nhà tối, sợ đi học trễ nên em cắm đầu chạy thẳng một lèo tới trường. Hổng dè cuốn tập em lận trong lưng quần rớt mất hồi nào em chẳng hay.

Nghe Sĩ trình bày lý do như vậy, cô giáo chỉ biết thở dài:

- Lần sau em đừng có lận tập vở lung tung vậy nữa. Lúc nào cũng cầm tập trên tay nghe không!

- Dạ, nghe.

- Nãy giờ em ngồi không vậy hả? - Cô giáo lại hỏi.

Sĩ chỉ Thuận ròm, tố cáo:

- Em có kêu nó xé tập cho em xin một tờ mà nó không cho đó cô.

Cô giáo khẽ nhăn mặt:

- Em đừng gọi bạn bằng nó. Còn em Thuận không xé tập là vì em ấy biết giữ gìn tập vở. Ðiều đó rất đáng khen.

Cô giáo lại gần Thuận ròm, chìa tay ra:

- Thuận cho cô coi tập nào!

- Thưa cô, em viết chưa xong ạ! - Thuận ròm từ chối.

Thấy thái độ của Thuận ròm, cô giáo đâm nghi. Cô bước tới, cầm cuốn tập lên. Cực chẳng đã, Thuận ròm phải nhấc bàn tay ra tay khỏi trang viết, mặt mày lấm lét nhìn cô giáo.

Trước cuốn tập của người học trò “biết giữ gìn tập vở, rất đáng khen” này, cô giáo chỉ biết há hốc mồm, không nói được một lời.

Cuốn tập khi phát ra cách đây một tuần còn đủ một trăm trang, bây giờ trên tay cô giáo, nó chỉ còn lèo tèo có mười hai trang, tính luôn bìa, mỏng manh, xộc xệch như một xấp giấy lộn. Mấy chục trang kia không biết bay đi đằng nào.

- Tại sao cuốn tập của em lại ra hình thù như vậy? Còn mấy chục tờ kia đâu? - Cô giáo kêu lên.

Thuận ròm ấp úng:

- Thưa cô, em... làm mất ạ.

- Mất thì mất cả cuốn như tao chớ ai lại mất có mấy chục tờ như mày, kỳ vậy? - Sĩ đột ngột xen vô.

- Sao, em nói thiệt đi? - Cô giáo lại hỏi. Cô nhìn thẳng vô mặt Thuận ròm.

- Thưa cô, em... xé ạ! - Thuận ròm lúng túng thú thiệt.

- Em xé tập làm gì?

Thuận ròm chưa kịp đáp thì Sĩ đã vọt miệng:

- Nó xé làm diều đó cô!

Cô giáo lắc đầu:

- Các em học hành kiểu này thì chết rồi! Lấy tập đâu mà chép bài!

Thuận ròm và Sĩ nhìn nhau.

Cô giáo nói tiếp:

- Buổi học tới, cô sẽ cố gắng kiếm tập cho hai em, nhưng hai em nhớ phải giữ kỹ, không được làm mất nữa nghe chưa!

So với hai đứa bạn thì Hùng bụi giữ gìn tập vở ngon lành hơn nhiều. Cuốn tập của nó khi phát ra thế nào thì bây giờ vẫn còn đầy đặn như vậy. Thậm chí, nó còn nhờ dì nó bao bìa, kẻ nhãn đàng hoàng. Nhưng không vì vậy mà Hùng bụi được coi là học sinh gương mẫu. Nó chuyên môn hút thuốc trong lớp. Bị cô giáo bắt gặp mấy lần. Hùng bụi nghĩ cách qua mặt. Nó giấu đầu xuống bàn, rít thuốc và phà khói vô ngăn bàn. Làm như vậy, khói thuốc sẽ loãng ra và bay lên từng đợt mỏng, khó bị phát hiện. Một hôm, trong khi đang chúi đầu hút thuốc như vậy, Hùng bụi bị cô giáo kêu đứng dậy đánh vần. Nó hoảng hồn liệng đại mẩu thuốc hút dở xuống đất. Không dè mẩu thuốc rớt ngay chân Thuận ròm làm thằng này la chói lói. Mọi sự thế là đổ bể.

Từ bữa đó, Hùng bụi không hút thuốc trong lớp nữa. Nhưng thường thường, trước khi vô học, nó đứng ngoài cổng cố rít vài hơi rồi mới lò dò vô lớp.

Sĩ thì muốn tỏ ra chịu chơi hơn Hùng bụi. Không hút thường xuyên như Hùng bụi, nhưng lâu lâu kiếm được điếu thuốc “cán”, nó mang vô lớp ngồi hút tỉnh bơ. Cô giáo la, nó bỏ ra ngoài đứng hút cạnh cửa sổ và thổi khói bay vô lớp, chọc tức thiên hạ.

Ai chớ thằng Sĩ thì không màng gì lớp học này. Bữa trước vì ngồi nhà không có bạn nên nó mới vác xác tới trường cho vui. Không dè ở trường chẳng vui gì ráo, lại mất tự do nữa mới khổ. Ðánh lộn thì không cho đánh, hút thuốc cũng cấm, la to cũng bị rầy, thiệt chán. Không hiểu tại sao mấy thằng bạn ôn dịch của nó lại chịu giam mình cả buổi trong cái “nhà tù” đó như vậy không biết. Thằng Sĩ đã muốn bỏ học lắm rồi.

Và nó bỏ thật. Sau vài lần gây náo loạn lớp học và khiêu khích cô giáo một cách công khai, Sĩ chuồn thẳng một mạch, không hẹn ngày trở lại. Bây giờ, tối nào nó cũng có mặt chỗ Sơn cao, nơi thằng này đang giữ xe trước các quán nhậu xô bồ, phức tạp. Hai đứa cặp kè, tập tành nhậu nhẹt, mặc cho tụi bạn nó “dại dột” đâm đầu vô những lớp học đêm.

Từ ngày thằng Sĩ ra đi, lớp học trở nên trật tự hơn trước. Các vụ đánh nhau - đánh trong lớp, đánh ngoài sân và cả trên đường đi học - đã giảm đi rất nhiều. Cô giáo đỡ mệt hơn, cô không còn phải la đến khản tiếng để giải tán những trận hỗn chiến do thằng Sĩ khởi xướng. Tuy nhiên, mặt cô có vẻ buồn. Có lẽ cô buồn vì cô chưa kịp cảm hóa được đứa học trò bướng bỉnh thì nó đã trốn biệt tăm và vì cô băn khoăn không hiểu sau khi rời bỏ mái trường thì cuộc đời của nó từ nay sẽ ra sao.

Nỗi buồn về đứa học trò ra đi chưa kịp lắng xuống thì nỗi buồn về những đứa ở lại đã dâng lên. Cô giáo không thể hiểu nổi vì sao tối nay, lớp học lại vắng gần phân nửa. Hùng bụi và Thuận ròm là hai trong những học trò chăm chỉ nhất lớp cũng nghỉ học.

- Tại sao bữa nay các bạn nghỉ nhiều vậy các em?

Cô giáo buồn phiền hỏi số học sinh ít ỏi đang ngồi cục lại khoảng một phần tư lớp.

Cả chục cái miệng nhao nhao:

- Tại bữa nay thứ năm đó cô.

Cô giáo không hiểu:

- Thứ năm là sao?

- Các bạn đó ở nhà xem ti-vi chớ sao, cô!

- Thì những tối khác cũng có ti-vi vậy, tại sao các bạn đó lại đi học?

Đám học trò tranh nhau bày tỏ sự hiểu biết của mình:

- Tại thứ năm có chương trình “Trong nhà ngoài phố” mà cô!

Cô giáo bật cười:

- Học không lo học, cứ đi coi người ta giễu hề!

Cứ vậy, hễ tới tối thứ năm là lớp học lại vắng khá nhiều. May mà lớp học không có buổi nào rơi nhằm tối thứ bảy. Chớ nếu có thì lại thêm một số ở nhà coi cải lương, lớp học có nước giải tán luôn.

Trước tình hình đó, Ban giám hiệu quyết định chuyển giờ học tối thứ năm sang tối thứ ba. Lớp học lại đầy đủ như trước.

Ðộ rày, Hùng bụi tỏ ra ham học lạ thường. Từ khi bập bẹ đánh vần được vài dòng tin thể thao trên tờ báo của Minh Mông Cổ cho mượn, Hùng bụi càng nung nấu quyết tâm biết đọc đến cùng.

Mỗi tối, trước khi tới lớp, Hùng bụi hăng hái chạy đến nhà từng đứa một, rủ đi. Noi gương đội trưởng, các cầu thủ đội “Sư tử” cũng tỏ ra siêng năng đặc biệt.

Nhờ thành tích đó, cuối tháng, Hùng bụi được cả lớp bình chọn là “chiến sĩ đi đầu, học tốt, rủ bạn cùng đi”. Nó còn được nêu tên khen thưởng trước toàn trường và được Ban giám hiệu tặng một cây viết chì màu xanh đỏ, tha hồ mà vẽ vời thỏa thích.

Long quắn thì được tặng một cái áo sơ mi nhờ “thành tích”... thường xuyên mặc áo rách đi học. Số là nó chẳng có một cái áo nào lành lặn ra hồn cả. Theo đề nghị của Ban giám hiệu nhà trường, Ủy ban thiếu niên nhi đồng phường đã nhanh chóng giải quyết vấn đề ăn mặc cho Long quắn. Long quắn mừng rơn. Nó chờ cho tiếng kẻng tan học vang lên là ba chân bốn cẳng đem cái áo mới về khoe với mọi người trong nhà. Nhưng cái mà Long quắn khoái nhứt hạng là cuốn “Rô-bin-xơn” Hùng bụi cho mượn. Tính đến bữa nay, nó đọc được cả thảy là năm trang rồi.

Nhưng dù sao đi nữa, các cầu thủ đội “Sư tử” không phải bao giờ cũng là những học trò chăm chỉ. Những tối nào sân vận động Thống Nhất có đá đèn hoặc ti-vi có tường thuật bóng đá là y như rằng tối hôm sau, các cầu thủ của chúng ta lại đứng cúi đầu trước cô giáo, vẻ mặt biết lỗi và giải thích lý do bằng một giọng hết sức thành thật:

- Thưa cô, hôm qua em bận việc nhà!
Kỳ Trước | Kỳ Sau

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên