Đỗ Đức Thu
Đi đưa đám ma anh Thùy về, tôi tự thấy bâng khuâng và vơ vẩn. Không phải buồn, không phải thương: nhưng là một cảm giác chán nản về mệt mỏi, như khi người ta thấy chung quanh mình trống rỗng, những quan niệm của mình đổ sụp, những tín ngưỡng bỗng nhiên không còn nghĩa lý gì.

Tôi không hiểu ý nghĩa cái chết của anh Thùy. Nó do những sự chán nản chồng chất từ lâu, hay do một lúc không tĩnh trí? Có khi chỉ vì một cớ cỏn con mà người ta làm những việc to tát, và đời một người tự sát chưa chắc là đã có thảm kịch.

Tôi gặp anh trong một đám ma, và lúc biết nhau là lúc tôi đưa đám ma anh. Ngẫu nhiên, tôi so sánh hai đám tang: một đằng nhộn nhịp linh đình, các vòng hoa tươi tốt rũ hương lại phía sau, người đi đưa nối dài hàng trăm thước; một đằng là hai con ngựa gầy kéo cái xe đã cũ, quan tài phủ miếng vải đen đã bạc và mấy người thưa thớt theo sau. Anh Thùy rất ít bạn; họ đã như tôi; không hiểu anh và không có gan, hoặc tính hiếu kỳ như tôi, xa anh đã lâu.

Hai năm trước, tôi đi đưa ma anh Ninh, đám tang cử hành từ sáng sớm, trùng trình tới mười giờ mà chưa ra khỏi thành phố. Chúng tôi - những người đi đưa - trịnh trọng dần từng bước ngắn theo sau xe tang, mũ cầm ở tay tuy trời đã nắng gắt. Duy chỉ có một người đi bên trái tôi vẫn nghiễm nhiên đội mũ. Tôi thấy chướng mắt và thầm chê là vô lễ. Một lúc sau tôi thấy nắng rát ở gáy. Tôi lấy khăn mùi xoa giơ lên che, nhưng vẫn không đội mũ như muốn cho anh chàng kia hiểu rằng đội mũ là không lịch sự. Chàng quay nhìn tôi như muốn bảo "Nắng thế, có mũ sao không đội, lại đi che khăn mặt?", lấy một điếu thuốc lá ngậm vào miệng rồi hỏi tôi:

- Ông có diêm không?

Tôi đưa bao diêm và lại càng ghét thêm. Từ nãy, một người nhà đám thường bưng cơi trầu trong có bao thuốc lá đi mời từng người, nhưng tôi thấy ai cũng từ chối. Trong lúc kính cẩn nghiêm nghị ấy, phì phèo điếu thuốc lá như không tiện. Anh chàng điềm nhiên hút. Mùi khói thuốc ănglê thơm ngon sực nức và năm mươi bước sau, một nửa người đi đưa đã hút thuốc. Ra khỏi thành phố, xe tang đi mau hơn, người đi đưa cũng rảo bước. Nắng càng gắt, những chiếc mũ đã lên cả trên đầu. Người bên cạnh tôi như để ý đến sự phía trước. Theo tầm mắt hắn, tôi thấy một thiếu nữ chít khăn tang đi cạnh người quả phụ. Thiếu nữ thỉnh thỏang quay lại như tìm ai, và khi nhìn đến một thiếu niên đi bên phải tôi thì mắt dừng lại lâu một chút.

Khi đã quen Thùy, tôi nhắc lại chuyện hôm ấy. Anh cười nói:

- Tôi không hiểu vì lẽ gì tôi phải đi đầu trần dưới trời nắng chang chang và nhịn thèm khi có thuốc lá ngon trong túi. Tôi không muốn phải cảm; nếu anh không chịu được nắng thì việc gì anh bắt chước người ta? Thương anh Ninh hay không là một chuyện khác. Từ lúc tôi hút điếu thuốc, hình như thấy thương tiếc anh Ninh hơn lên. Trước kia anh vẫn cho tôi vay tiền mua thuốc, bây giờ nhỡ thiếu thuốc, không biết chạy đến ai?

Tôi phải khó chịu về câu nói đầy ý nghĩa "vị ngã". Tôi không muốn thấy một thiếu niên nhanh nhẹn, một vẻ mặt thông minh, lanh lợi, ích kỷ đến bực ấy. Anh Thùy nhận thấy tôi bất bình, ôn tồn tiếp.

- Tôi nói thế, anh cho là chướng lắm à? Dù sao tôi cũng đã có cảm tình với anh Ninh và đã dám nói ra. Có lẽ trong những người đi đưa hôm ấy, tôi thương anh Ninh hơn hết, và tự thương cả tôi sẽ thiếu thuốc lá. Tôi tự chắc mình thành thực hơn hết mọi người. Anh coi liệu có ai thật lòng thương anh Ninh không? Bắt đầu từ người vợ góa, một người đàn bà, quá tự kiêu vì nhan sắc, đã làm anh khốn khổ đến nỗi chỉ muốn lang thang suốt ngày để khỏi về nhà nhìn thấy mặt vợ. Anh có tin nước mắt người đàn bà ấy không? Hôm ấy như chị chàng khóc dữ lắm. Cô em gái đi đưa đám ma anh mà vẫn không quên liếc tình nhân, người con trai đi bên phải anh. Họ lợi dụng cả cái chết của người khác để gặp nhau, để đưa mắt, để khoe vẻ đẹp trong bộ quần áo tang. Còn các ông đi đưa nữa! Họ đạo mạo, nghiêm nghị, trịnh trọng nhận những cái ngả mũ của những người đi ngược lại chào xe tang như người ta chào mình. Họ đi thong thả, vì người cho thuê xe kìm bước ngựa cho đám thêm trịnh trọng và quảng cáo cho nhà mình. Anh có thì giờ nhìn chân người đi trước và đặt bước đúng bước họ. Ra khỏi tỉnh xem? Anh không còn kịp tránh những viên đá nhọn. "Trong khi ấy họ nghĩ đến gì? Đến anh Ninh? Chưa chắc. Họ nghĩ đến công việc của họ. Có người, mới ở nhà ả đào ra vội cho kịp đám ma, nghĩ đến tình nhân và chầu hát đêm qua, có người nhẩm tính xem bao giờ đưa xong để kịp về họp tổ tôm. Hoặc họ nghĩ đến anh Ninh nhưng chỉ đủ để nghĩ luôn sang người vợ góa trẻ và đẹp, thế nào rồi cũng tái giá. Có lẽ những ý nghĩ đó chung cho cả ngần ấy người, nhưng không ai dám nói ra. Họ như đã cùng bảo nhau giữ một vẻ mặt đạo mạo. Họ không hút thuốc, không đội mũ, nhưng khi nắng rát quá, và chung quanh mình thấy có người đội rồi thì họ chẳng còn ngần ngại gì. Khói thuốc lá thơm làm các cậu thèm, cũng móc thuốc ra hút. Anh xem? Nếu anh có thể vờ chết để thử tâm tình các người thân thích anh, thì tôi chắc rằng khi anh biết rõ rồi, anh sẽ muốn chết hẳn, không trở lại cõi đời này nữa!".

Hôm đưa đám, ngẫu nhiên tôi cũng có nhìn cô em anh Ninh, có thấy cô xinh đẹp và nghĩ... Bây giờ nghe lời anh Thùy, tôi lại thấy tự thẹn. Tôi ngượng nghịu bảo anh:

- Đã đành rằng thế. Trong thâm tâm, người ta có thể tha hồ nghĩ, nhiều khi rất nhảm nhí. Nhưng nói ra như anh, tất phải bạo lắm, can đảm lắm.

- Hay là đểu lắm, sao anh không nói? Tôi chắc anh nghĩ thế.

Tôi không dám cho anh hẳn là đểu, nhưng tôi vẫn thấy khó chịu về cách thật thà của anh. Đầu tiên tôi như thấy nó thô bỉ, sống sượng, nhiều lúc đến cục cằn. Có câu nghe đến phải ngượng tai, tôi phải ngượng và thẹn như cô gái đồng trinh vô tình nghe phải câu chuyện nhục dục. Anh chàng vẫn tự nhiên phô diễn những ý tưởng của anh, nhiều lúc rất táo bạo. Anh không hề thấy ngượng mồm hay sợ mếch lòng ai. Các bạn anh, không chịu được lối sỗ sàng ấy, xa dần. Anh như không quan tâm, hình như không cần đến ai.

Duy tôi, tôi vẫn chơi với anh. Hình như tâm tính anh bổ khuyết cho tính rụt rè nhút nhát của tôi, nên mỗi ngày tôi lại gần anh thêm. Nhiều lúc tôi vui sướng thấy anh rất tự nhiên diễn tả một ý tôi thường nghĩ đến mà không tiện nói ra, vì nó táo bạo quá. Tôi lại gợi cho anh nói thêm; cố nhiên là anh sa vào lưới của tôi, nói luôn miệng, những câu làm tôi phải rùng mình.

Có lúc anh ăn nói cục cằn, sống sượng như một kẻ vô học. Tôi tưởng như tâm não anh không còn có ý nghĩ gì thanh cao nữa. Tôi không hề thấy anh cảm động, một lần chúng tôi đứng xem thi thể một người bị xe điện chẹt. Cái đầu lìa rời ra, thân chỉ còn là một đống thịt, xương máu, vò nhàu, trộn lẫn. Anh xem tỉ mỉ từng tí, lấy thuốc lá hút, rồi bảo tôi:

- Thịt mất máu, nhợt thế này giống như thịt cọp tôi đã ăn bít tết, nhạt và hoi. Thịt người chắc rằng có vị ấy.

Tôi cho là anh đã hư hỏng, hoặc cằn cỗi lắm. Nhưng ngay chiều hôm ấy, thấy anh đứng hàng giờ trên cầu Thê Húc, ngắm bóng trăng dưới hồ thì tôi lại ngờ câu phán đoán của mình. Tôi thấy anh rất khó hiểu. Tôi ngỏ ý ấy. Anh Thùy nói:

- Tại sao khi các anh chơi với ai, lại cứ muốn hiểu rõ người ta, và nhất là lại cứ muốn người ta giống mình? Tôi, thì tôi cho rằng không gì chán bằng biết rõ một người, biết điều họ nghĩ, đoán trước được việc họ làm. Tưởng hiểu một người, rồi đột nhiên thấy họ có một hành vi khác hẳn với phỏng đoán của mình, thấy những điều mới lạ trong một tâm hồn thường ở bên mình mà mình không ngờ đến, còn gì thú bằng? Cuộc đời sẽ phong phú biết bao? Trai gái, những cặp nhân tình sẽ không bao giờ chán nản, bỏ nhau, vì họ có dịp luôn luôn kính nhường người mới.

Nói chuyện với anh Thùy tôi thường thấy tưng tức khó chịu. Tôi không đánh đổ được ý kiến của anh, tôi không hẳn cho là những giả thuyết, hoặc những lời ngụy biện của một tâm hồn đã chán chường, hoặc quá vị kỷ, nhưng tôi thấy nó đột ngột, sống sượng, không thích hợp với cõi đời này mà ai ai cũng cần che đậy những ý nghĩ của thâm tâm, cho lời giao thiệp thêm lịch sự. Có lần tôi bất bình nói với anh giọng như gắt:

- Lý thuyết của anh chỉ thích hợp khi nào trên thế giới không còn ai, chỉ có một mình anh, hoặc lùi lại mười thế kỷ, chứ còn sống ở xã hội này, chung đụng với mọi người, thì tôi e rằng những tư tưởng ấy chỉ có hại cho anh thôi.

Anh mỉm cười ra ý không tin. Quả nhiên những lời tôi nói thành sự thực.

Đầu tiên thầy đẻ anh Thùy không bằng lòng đứa con ngỗ nghịch, không chịu theo lễ giáo của gia đình. Tính tình quá tự do của anh, như một con chim, muốn đập cánh bay khỏi vòng kiềm thúc; anh bỏ gia đình, ra Hà Nội định tự lập. Bắt đầu, anh thuê một căn nhà rất lịch sự giữa thành phố, rồi dần dần thu lại một túp lều ở ngoại ô. Công việc của anh không có kết quả, nó đều đi trái với đường anh dự tính. Các bè bạn lảng dần. Những lúc gặp nhau ngoài phố, ở những chỗ chơi bời, họ vẫn niềm nở chuyện trò, nhưng cần đến họ để mưu tính công việc gì, thì không ai thật lòng cộng tác với anh. Anh gặp toàn những sự thất bại. Anh như oán hận mọi người không hiểu anh, đời bạc đãi anh, tính anh sinh gay gắt, và càng khó chịu thêm. Nhiều lúc anh có những lời ngụy biện rất tai ác, chỉ cốt lấy cái thú ranh mãnh tỏ cho người kia biết rằng anh không cùng tư tưởng với họ, và thường khi khinh cả những điều họ nghĩ. Riêng tôi, tôi thấy sau thái độ bướng bỉnh, ương ngạnh ấy một nỗi chán nản nó ngầm đục tâm hồn chậm chạp và chắc chắn, như một dòng nước phá chân một bức tường.

Nói chuyện với anh Thùy, tôi thường thấy tưng tức. Tôi lại thăm anh Thùy. Mới đẩy cổng đã thấy tiếng anh:

- Nhà triết học của tôi đã đến. Hay quá, tôi đang mong anh.

Anh Thùy nằm võng, một quyển sách úp trên ngực. Tôi ngồi xuống mép phản, cầm lấy quyển sách ngắm nghía. Đấy là một trong mười quyển sách quý của anh, đắt tiền và đóng bằng da mềm, phơn phớt xanh, rất mỹ thuật. Nhiều lần tôi ao ước có được một tủ sách như thế, và mỗi khi đến chơi với anh Thùy, tôi không quên lại góc buồng lấy một cuốn cầm ở tay trong khi nói chuyện.

Anh Thùy hỏi tôi:

- Anh ưa mấy quyển ấy lắm à? Thế để tôi biếu anh.

Tôi ngạc nhiên, không tin rằng anh có thể rời chúng ra dễ dàng thế. Anh Thùy đi lấy chồng sách, lấy bút máy đề biếu tôi vào các trang đầu:

- Tôi thấy anh yêu sách đẹp. Chúng vào tay anh cũng được chiều chuộng, quý hóa. Tôi không giữ được chúng nữa. Để thất lạc đi thì uổng.

Tôi ân hận rằng lúc ấy chỉ để ý đến mấy quyển sách. Tôi không thấy anh vui vẻ quá, có thể cho người ta ngờ vực. Tôi tưởng anh định đi chơi đâu xa, mà không muốn mang nhiều hành lý.

Anh Thùy đi biệt, và không mang chút hành lý nào: hai hôm sau, tôi được tin anh tự tử.

Rút từ tập truyện ngắn Nhà bên kia,
Nxb. Cộng lực, Hà Nội, 1942
đám ma lý toét | Ba

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên