(bị bắt 25-10-1861, chém đầu 1-11-1861 tại Hải Dương)
Trích Từ Dòng Máu Anh Hùng Tập I-III của Lm Vũ Thành

Cuộc đời của vị giám mục trẻ tuổi thời danh đã ghi dấu vết đạo đạo đức ngay từ thuở nhỏ, nên khi vừa sang tới Việt Nam hai tháng và mới 31 tuổi đã được chỉ định làm giám mục địa phận Trung, tức Bùi Chu sau này. Vì đức vâng lời và vì Chúa Thánh Linh thúc đẩy, Cha Valentinô Berri-Ochoa đã thụ phong giám mục ngày 13-6-1858 trong một hầm trú ẩn vì thế người ta gọi ngài là Giám Mục hầm trú.

Đức Cha Ochoa sinh ngày 12-2-1827 tại làng Elorio, tỉnh Biscaglia. Cha ngài là thợ mộc đóng ghế cho nhà dòng các bà Đa Minh trong làng. Thế nhưng Chúa lại muốn cho ngài học Latinh và vào chủng viện của địa phận. Khi học, cậu Valentinô hay ở bên cạnh thầy để nghe chuyện các vị truyền giáo ở xa xôi, và bắt chước tập nhiều nhân đức hãm mình. Cậu Valentinô vào chủng viện địa phận Logronhô tháng 10-1845 lúc 24 tuổi. Đức cha coi địa phận đã phải khen các đức tính của Valentinô với cha mẹ ngài như sau: "Này bà Monica, con bà sau này có lẽ sẽ làm Giám Mục".

Một người bạn diễn tả nhân đức của Thầy Valentinô như sau: "Tôi không sao biết được con mắt của ngài mầu gì vì ngài thường cúi mặt xuống đất".

Một lần tôi trêu ngài: "Anh Valentinô làm cái gì xấu mà cúi mặt xuống vậy?"

Thầy Valentinô trả lời: "Có nhiều lý do để tôi bắt chước người thâu thuế trong Phúc Âm vào nhà thờ không dám trông lên".

Thầy Valentinô được chỉ định dậy học trò, một lần bị bệnh ốm nhưng sau khi khỏi bệnh học sinh đến chúc mừng nói đùa: "Nếu mà thầy chết thì chúng con khóc hết nước mắt".

Thầy Valentinô cười đáp: "Thầy còn khốn nạn chưa đáng được hưởng mặt Đức Chúa Trời nên chưa chết đấy thôi".

Ngày lễ Chúa Ba Ngôi năm 1851 Thầy Valentinô được chịu chức linh mục. Ngài hết lòng lo lắng việc săn sóc linh hồn người khác đến nỗi đức cha địa phận phải khen rằng trong địa phận có Cha Valentinô là xứng đáng hơn cả và làm gương đủ mọi nhân đức. Thế nhưng lòng Cha Velentinô chỉ muốn làm linh mục dòng Đa Minh và đi truyền giáo phương đông. Ngày 26-10-1853, cha vào tu viện Ocanha chuyên gửi người đi giảng đạo. Cha được mặc áo dòng ngay. Cha viết thư cho cha mẹ, khuyên các ngài đừng buồn phiền nhưng hãy bắt chước Abraham dâng con mình vậy, cha viết: "Nếu Chúa muốn con đến đây, tại sao cha mẹ lại muốn con ở thế gian giữa những nguy hiểm. Cha mẹ không muốn con lên thiên đàng sao? Không phải là đời sống tu dòng là con đường chắc chắn lên thiên đàng sao? Vì thế cha mẹ hãy cám ơn Chúa thì tốt hơn... Chỉ có một điều quan trọng duy nhất dưới thế gian này là sống đời thánh thiện để chắc chắn chiếm một chỗ trên trời. Cha mẹ không thấy nhiều người vất vả đổ mồi hôi máu trên trán chỉ để kiếm tiền sao?"

Ngày 12-11-1854 Cha Valentinô được khấn trọng thể trong dòng Đa Minh và năm sau, ngày 17-12-1856 cha cùng với bẩy người nữa đi Manila để giảng đạo. Trước khi đi cha viết thư cho cha mẹ nói lên lòng nhiệt thành cứu rỗi lương dân: "Chúa đã quá tốt lành cho con được biết đạo. Ngài còn thương chọn con làm tông đồ để cứu rỗi các linh hồn mà chính Chúa cũng đã đổ mồ hôi và máu cực trọng để cứu chuộc họ. Ngài sẽ làm cho con trở thành ngôi sao chiếu sáng nếu con biết đáp lại tiếng gọi cao cả nàỵ Con làm gì để đáp lại những ơn Chúa đã ban, tất cả sự sống con thuộc về Ngài". Cha đến Manila vào ngày vọng lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Đến tháng 12-1857 cha cùng với Cha Rianho và Carrere rời Manila đi Bắc Việt và tới nơi ngày 30-3-1858. Bắc Việt lúc này đang trải qua cơn cấm đạo dữ tợn. Cha Valentinô phải lén lút đến gặp cha bề trên Masso rồi tới Đông Xuyên gặp Đức Cha Hermosilla. Tiếp tục hành trình đến nơi trú ẩn của Cha Estevez ở Quần Cống và sau cùng được đưa trình diện Đức Cha Sampedro, giám mục địa phận Trung, ngày 15-4-1858. Lúc này làng Ninh Cường với mười ngàn người đa số là Công Giáo bị vây bọc. Đức Cha Sampedro đặt tên cho Cha Valentino là Vinh. Trước tình thế nguy ngập, Đức Cha chọn Cha Vinh làm Giám Mục phụ tá và ấn định lễ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô sẽ phong chức cho ngài, nhưng vì gấp rút, suốt đêm mấy cha con vội vã lấy giấy và tre làm mũ gậy phong chức giám mục ngay đêm 13-6-1858 tại Ninh Cường. Ít ngày sau Đức Cha Sampedro bị bắt và xử lăng trì ngày 28-7-1858. Đức Cha Valentino Vinh viết về trách nhiệm mới của mình như sau: "Một biến cố chắc chắn làm bề trên lo lắng vì danh dự và lòng nhiệt thành nổi tiếng của dòng Đa Minh và vì công cuộc cứu rỗi xây dựng thân thể Chúa Kitô. Đó là đạo rất thánh, mẹ giáo hội với những vị giám mục thánh thiện đã khai sinh một đứa con thiếu tháng, đó là chính con mọn đây".

Tại địa phận Trung, quan quân lùng bắt khủng khiếp, nên mặc dù muốn chết giữa đàn chiên, Đức Cha Valentino Vinh phải lẩn trốn sang địa phận Đông để có thể tiếp tục hướng dẫn địa phận. Ngày 1-7-1858 ngài ở trọ làng Cao Xá, rồi về Kẻ Mốt tại Hương La với bốn thầy lý đoán và ông lang Thư.

Trong vòng một năm Đức Cha vừa trốn vừa dậy các thầy lý đoán chuẩn bị lên chức linh mục và viết thư liên lạc với các cha trong địa phận. Lúc này liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng khiến vua quan cấm giáo dân di chuyển và lùng bắt thừa sai. Đức Cha Hermosilla họp các thừa sai và quyết định phong Cha Alcazar làm Giám Mục phụ tá địa phận Đông, cùng với bẩy thừa sai khác lên tầu tạm trốn để hòng cứu giáo hội sau này, còn hai Đức Cha Hermosilla và Valentino Vinh với hai Cha Fernandez và Rianho ở lại giúp giáo dân.

Đầu tháng 9-1861, quan áp dụng lệnh phân sáp và huyện Lương Tài bị tố giác có đạo trưởng ẩn trốn nên Đức Cha Valentino, Cha Fernandez và Almato đi đến Hải Dương hẹn với Đức Cha Hermosilla để trốn đi cực bắc tại Vạn Ninh. Lênh đênh trên con thuyền trốn chạy, Đức Cha Berrio-Ochoa Vinh nói với người chèo thuyền đưa về địa phận để thăm con chiên bổn đạo dù có phải tay quân lính bắt cũng xin theo thánh ý Chúa, chết trong địa phận. Người chèo thuyền thưa lại với đức cha là mọi ngả đường đều có lính tuần canh nghiêm ngặt, không có cách nào thoát được. Đức cha viết thư thăm giáo dân và nghe lời ở lại trên Hải Dương. Người lái thuyền tên Cựu Trọng đưa đức cha và mấy thầy vào một làng gọi là làng Gọp để trú ẩn và nghỉ ngơi.

Sau ba ngày, chủ nhà tên Khang Cấp giả vờ nói đi lên huyện để dò la tình hình nhưng thực sự là để báo quan huyện. Chủ nhà trở về nói: "Các ông không thể ở nhà tôi được nữa, phải đi đi".

Đức Cha Berrio-Ochoa Vinh được dẫn ra ngoài ruộng lúa ẩn mình. Chỉ lát sau quan Huyện Thanh Hà đã đem 300 lính đến bắt. Đức cha thương tình chú giúp lễ nên xin quan tha cho chú về. Sau này chú giúp lễ làm linh mục tên là Nghiêm. Đức cha bị bắt đúng ngày 25-10-1861.

Từ huyện rồi lên tỉnh, tới cửa thành có nhiều thánh giá đặt dưới đất, Đức Cha yêu cầu họ cất đi mới chịu đi vào. Quan thượng Hải Dương Nguyễn Quốc Cẩm hỏi đức cha về tên tuổi, quê quán và sang từ bao lâu, đức cha thưa: "Tên tôi là Vinh, sang Việt Nam mới được bốn năm, địa phận của tôi ở trong tỉnh Nam Định, Nam Thượng và Nam Hạ. Bởi vì trong đó bắt đạo ngặt quá không thể ẩn tránh mãi, tôi bất đắc dĩ phải trốn tới đây".

Quan hỏi năm 1858 có liên lạc gì với người Pháp-Tây gây chiến không? Đức cha thưa: "Tôi không làm cái gì hại nhà nước bao giờ, tôi chỉ có một ý duy nhất là sang đây giảng đạo thánh Chúa Trời và khuyên bảo cho mọi người biết ăn ngay ở lành, giữ đàng lành và tránh đàng tội mà thôi".

Quan hỏi thêm có biết Đức Cha Tuấn (Đức Cha Hermosilla). Đức cha thưa lại là có quen biết và gặp nhau mấy lần. Sau đó quan thượng Hải Dương ra lệnh giam ngài trong tù cùng với Đức Cha Hermosilla và Cha Almato, mỗi người một cũi. Các ngài được dịp an ủi khích lệ nhau.

Tuy quan tổng đốc Hải Dương tử tế với các ngài nhưng sợ oai quyền Nguyễn Đình Tân (Hưng), tổng đốc Nam Định và là bố vợ vua Tự Đức, nên ra án tử hình cho cả ba đấng. Mặc dầu lính canh cấm mọi người lui tới nhưng có một y sĩ đã tìm cách đưa một vị linh mục giả làm thầy thuốc đến ban bí tích cho các ngài. Quan còn thử một lần nữa khuyến dụ các ngài bỏ đạo, nhưng càng làm cho các ngài cương quyết xưng đạo hơn.

Ngày 1-11-1861, tảng sáng ba vị anh hùng, đứng đầu giáo hội địa phận Trung và Đông, hướng nhìn ánh mặt trời theo tiếng trống của lính đi ra pháp trường Năm Mẫu ở ngoài thành. Cả ba vị quì gối cầu nguyện chung với nhau rồi bị trói mỗi người vào cọc giơ đầu ra cho lý hình chém. Máu tuôn trào dưới ánh mặt trời bỗng loé sáng những hình thánh giá. Trời đang sáng bỗng tối lại trong vòng năm phút và một đàn bướm trắng đến đỗ trên xác các ngài trong khi mùi thơm phảng phất trên không. Người bên lương cũng như người Công Giáo nói rằng chính các thiên thần của Chúa đến đón các ngài về trời. Khi bình yên, xác Đức Cha Berrio-Ochoa Vinh được mang về giữ tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Elorrio quê hương của ngài.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên