1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9

Duyên Anh
CHÚA KHÔNG ĐẾN NGÔI NHÀ THỜ ĐÓ


Tôi cảm thấy tôi đã già với tuổi ngọc. Bây giờ mới là cuối thu nhưng tôi tưởng chừng tháng chạp sắp hết. Để tôi được thở dài: Mình bốn mươi tuổi rồi. Thuở nhỏ thầy dạy hai câu Thời giờ thấm thoát thoi đưa, Nó đi đi mất có chờ đợi ai thì buồn cười. Bởi vì, khi ta nhỏ bé, ta nhìn cái vũ trụ của ta tầm thường quá, ta mơ ước cái vũ trụ mênh mông của người lớn. Và ta mong thời giờ vút nhanh hơn vó câu qua cửa sổ. Mấy chữ Anh làm dáng trên cái thời khóa biểu trung học vẫn cứ ngớ ngẩn Time is money! Nhờ bạn một tí. Hãy đưa tôi vài chục bạc, tôi sẽ rủ đám bạn thân chui vội vào rạp chiếu bóng. Ôi chao, Herman Brix, thần tượng cưỡi ngựa, bắn súng của tôi bị bọn gian tặc bắt nhốt trong hang núi và thả con hổ chui vô. Đến đó hết hồi thứ hai. Phim Hiệp sĩ Colorado những ba hồi. Herman Brix có bị cọp xé xác? Bạn thân của chàng là Toronto mọi da đỏ đã hay tin này chưa? Chuông réo hồn tôi, cậu bé năm thứ nhất thành chung, đứng gần chỗ bán vé mà túi rỗng không. Cậu bé đứng chờ một phép lạ.

Một ông bác tình cờ đi xem chiếu bóng, thẩy cát vé ban ơn. Một người quen của bố mình tình cờ đi xem chiếu bóng, hoan hỉ dẫn vào xem nhờ. Một thằng bạn giầu lòng nghĩa hiệp cho vay khoản tiền. Tuyệt vọng. Cửa rạp đã vắng hoe. Người soát vé kéo tấm màn. Nếu có thể bán mười năm thời gian lấy mười đồng bạc, tôi sẵn sàng bán ngay. Lúc đó. Tôi khoái biết số phận của hiệp sĩ Colorado, không thèm biết cái tương lai mơ hồ của mình phụ thuộc vào sự lãng phí hay chắt chiu thời gian. Hôm nay có dịp nhìn lại mình, tôi đã ân hận vô vàn những ý nghĩ đáng thương về thời gian của tuổi nhỏ. Quả thật tôi đã già. Với quanh tôi. Bốn mươi tuổi, chưa đun sôi một ấm nước hoài bão nhỏ, kể như là vất đi, là tàn tạ, là vô tích sự. Tôi cố nhớ bài học thuộc lòng lớp nhất:

Tuổi niên thiếu sức dài vai rộng

Mai sau đến lúc lão thời

Nhìn trang sử sách thấy đời rỗng tuyênh

Chi bằng lúc đầu xanh tuổi trẻ Trời phú cho mạnh khỏe tay chân Việc ta ta hãy chuyên cần

Quyết đem tài chí lập thân sau này

Rồi vùn vụt tới ngày tuổi tác Tới khi ta tóc bạc da mồi Vuốt râu ôn lại sự đời

Đời ta đầy đủ thảnh thơi tự hào

Đó là một bài thơ của tác giả Giòng nước ngược. Rất nhiều niên thiếu đã thấm lời khuyên của ông, đem "tài chí lập thân" và sử sách đã ghi chép sự nghiệp "thảnh thơi tự hào" của họ. Không bao giờ tôi được là một trong rất nhiều niên thiếu ấy. Bởi tôi đã muốn đổi thời gian lấy vé xi nê! Bởi tôi đã say mê Herman Brix như nhiều niên thiếu hôm nay say mê Lý Tiểu Long, Khương Đại Vệ, cắp cặp vào rạp chiếu bóng mỗi buổi sáng, bỏ trường lớp một cách hứng khởi. Tôi luôn luôn gặp cái dĩ vãng tội nghiệp của tôi ở cửa rạp chiếu bóng sáng hôm kia, sáng hôm qua, sáng hôm nay, sáng ngày mai. Ôi dĩ vãng tội nghiệp, buồn ghê nơi, tôi còn thấy nó hiện về ở hiện tại của niên thiếu bây giờ. Nếu tôi đã "lập thân" nhỉ? Thì xóa bỏ dĩ vãng tội nghiệp bằng một đạo luật cấm học trò vào rạp chớp bóng, ghé quán cà phê trong giờ học, ngày học. Nhưng tôi không "lập thân" do "quyết chí" tự "lúc đầu xanh tuổi trẻ". Mà "lập thân" do sự "đói đầu gối phải bò", do sự thử vận ngập lụt thủy triều may rủi. Và chắc chắn, sự lập thân này không hề do "tài chí". Cuộc đời vẫn hiếm hoi kẻ tin ở lời nói thật. À, anh nói láo, anh giả vờ khiêm tốn, mấy chục cuốn sách của anh chẳng là sự "đầy đủ thảnh thơi tự hào" chăng? Tự hào ư? Có chứ, tự hào lắm song xin dành sự tự hào ấy cho loài mối.

Xưa có người rạng danh văn chương phú lục, liệng cái tự hào đó mà rằng:

Sách vở ích gì cho buổi ấy,

Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.

Lại thêm người nữa:

Một việc văn chương thôi đã hỏng, Trăm năm thân thể có ra gì.

Ông Nguyễn Khuyến không tự hào với sách vở của ông. Ông Trần Tế Xương không tự hào với văn chương của ông. Lũ hậu sinh học đòi "trước thư lập ngôn", coi ba cuốn sách kiếm cơm áo nuôi vợ con là những tác phẩm lớn, tác phẩm bé, lên mặt vênh vang, "mỏi gối quỳ mòn sàn tướng phủ", khom mình run rẩy nhận lãnh sự tuyên dương rồi phóng lời khẳng khái kẻ sĩ "uy vũ bất năng khuất" thì khác chi lũ đười ươi? Không, tôi chỉ là tên viết truyện giải buồn (cám ơn ông Huỳnh Tịnh Của), chẳng thể là "nhà văn" Trần Lâm, danh sĩ thời tam quốc, một thứ văn nô theo Viên Thiện viết hịch chửi từ ông nội đến bố Tào Tháo rồi lại ngẩng mặt suy tôn Tào Tháo. Một tên viết truyện giải buồn, mua vui không có gì đáng tự hào cả. Y đáng ghét lắm, với một số người nào đó song đã không ai được phép thương hại y, trừ chính y, hay vợ con y. Y còn được phép không thương hại cả Trần Lâm lẫn Nễ Hành. Danh sĩ sống hèn bị chê, chết hùng cũng bị chê. Vậy văn chương nên ngợi ca cỏ cây, chim muông giun dế và tình yêu. Cứ làm ra vẻ văn chương dấn thân, sách động, phản kháng, phẫn nộ, ở xã hội ta hôm nay, sợ rằng nó vừa giả dối vừa thê thảm.

Tôi không hề có một tham vọng gì về văn chương. Cho đến khi bẻ bút, tôi vẫn chỉ là tên viết tiểu thuyết nhân vật là con nít. Xin cho tôi yên ổn viết chuyện giải buồn con nít. Tôi đã nhủ tôi thế. Tôi đã xin tôi thế. Vậy mà tôi nhắm mắt nhào vô cái lãnh vực tôi mù tịt là báo tuổi ngọc. Rõ ràng tôi điếc không sợ súng. Rõ ràng tôi, con chim én muốn làm mùa xuân báo nhi đồng. Đem bốn chục ngàn vay lãi ba phân xuất bản tuần báo Búp Bê. Ối giời, tuần báo Búp Bê sao đong đầy vất vả! Dạo ấy có Lê Tất Điều keo sơn, có Nguyễn Thân tri kỷ, có Đinh Tiến Luyện vừa lớn và Ngọc Điệp đam mê. Dạo ấy tôi còn lao đao về vật chất. Nguyễn Thân nhằm buổi sáng mưa gió mịt mù, khoác áo mưa đem theo cả mưa gió ngoài trời vô cái tòa soạn nhật báo tôi đang cộng tác, vuốt mặt mà rằng: "Nghe tin mày đã nắm trong tay cái giấy phép Búp Bê..." Hắn thò tay qua áo mưa, móc ở bụng ra đống bạc không gói kỹ, liệng xuống bàn: "Tao mại cái Vespa được 40 chục ngàn. Cầm đỡ làm vốn." Rồi hắn bước khỏi tòa soạn rất nhanh như sợ hãi nhìn khuôn mặt phù cảm động của tôi. Lại thêm bốn chục ngàn... phước thiện. In bích chương quảng cáo Búp Bê. Đằng Giao sáng tác giùm một mẫu bích chương lạ nhất, đẹp nhất. Nhật Tiến chí tình khích lệ và viết bài. Nhưng Búp Bê đã không chịu dán bích chương như Tuổi Ngọc không chịu treo bảng hiệu. Âm thầm suốt đời. Năm ngàn tờ bích chương rồi đem bán ký lô! Hôm phát hành số ra mắt, nhà phát hành "phán" một câu tàn nhẫn "Thất vọng 90 phần 100. Tại sao không đúng giờ giao báo?" Lê Tất Điều chủ bút, tôi chủ nhiệm và Đinh Tiến Luyện cởi trần gấp báo, đếm báo, buộc báo. Trái mìn đã gài ở ngay đoạn đầu đời Búp Bê. Trái mìn phát hành tai ác. Nổ tung Cỗ xe ọp ẹp lật tung. Năm số báo tâm sự chấm dứt một đời báo, rạng rỡ một đời ấp ủ làm báo tuổi thơ của năm người.

Khi xưa, đọc Phổ thông bán nguyệt san tôi đã mê mẩn. Thức cả đêm với Tô Hoài.

Gửi hồn mình vào đôi chân của Thằng Kinh của Nguyễn Đức Quỳnh. Tưởng mình giống Anh em thằng Việt của Lê Văn Trương... Lớn lên, tập viết những Thằng Vũ, Bồn Lừa... Rồi quá trớn đua đòi xuất bản báo nhi đồng. Ngỡ trường đời êm êm cơ hồ giấc mơ hồn đào. Ai dè nó lởm chởm móng vuốt. Ta thù hận móng vuốt đó. Và ta tự đẩy ta vô chốn ưu phiền. Nhớ dạo ấy ta nhận ta là con ngựa già. Con ngựa già nô lệ của một số bạn nhỏ thương yêu ta. Con ngựa già đoan kết sẽ kéo chiếc xe Búp Bê dẫn các cô cậu chủ của nó đi thăm nội cỏ ngàn hoa. Con ngựa già gục khuỵu vì trái mìn tai ác của phù thủy phát hành. Nó ứa máu. Nó bị thương nặng. Nó dưỡng thương. Nó khỏi. Nó biến thành ngựa chứng. Một vài cánh tay vẫy con ngựa chứng, độ lượng khuyên nó: "Này ngựa chứng, cuộc đời không phải chỉ toàn Thiện hay toàn Ác". Ngựa chứng bèn tỉnh ngộ. Nó hóa ra con sên. Con sên yếu đuối bước từng bước Tuổi Ngọc. Tròn 24 bước, con sên bị đạp nó rớt xuống đống vỏ ốc. Người bạn nhỏ nào đó ở Huế viết cho tôi bức thư 24 trang giấy học trò, khen con sên là thứ sên can đảm. Con sên can đảm lắc đầu từ chối lời khen. Nó thu gọn đời nó trong cái vỏ hận thù. Nó trở về kiếp ngựa chứng hung hăng và tàn bạo. Những cánh tay khác vẫy nó, thủ thỉ: "Ngựa chứng, cuộc đời sắp biết đến mi, sao mi rẽ lối?" Ngựa chứng chớp mắt. Nó ngoan ngoãn sống đời sên. Tôi cho tục bản tuần báo Tuổi Ngọc. Cha đẻ của những nửa trang, nguyên trang nhi đồng hàng ngày trên mặt báo là con sên. Này thẻ xanh ngà ngọc. Nó họp bạn liên hoan. Nó gây phong trào. Nó tạo nhộn nhịp. Người ta đã quên mất ai là tác giả những danh từ húi cua, kịp tóc. Cần gì, hãy sống như đời sên. Và con sên can đảm, con sên ngu dại bám vào Tuổi Ngọc, tuần báo của yêu thương trong khi cuộc đời ngô ngơ tuổi ngọc. Một trăm mười tám số Tuổi Ngọc là một thách đố đấy. Chấp cả chủ báo tư bản lẫn những ai hằng lên tiếng về trách nhiệm giáo dục và giải trí niên thiếu. Nhưng có đáng chi để tự hào! Cái đáng tự hào là, không xuất tiền túi, không xin tiền Asia Foundation, không xin tiền Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách văn hóa, không bán báo cho Bộ Giáo Dục mà Tuổi Ngọc cứ sống tà tà. Cái đáng tự hào là, giữa cuộc đời nhí nhố, vẫn có những thứ ngu dại gặm bánh mì làm nổi công việc có nghĩa lý cho đời họ. Con sên tự cảm thấy nó được tha thứ.

Nhưng nó già rồi. Nó khó lòng bò thêm. Nó nên lùi bước. Nó phải lùi bước. Con dốc nó leo cao vời vợi, lởm chởm gai góc. Tiếp tục bò, sên sẽ bị ứa máu. Và chết. Tuổi Ngọc lùi bước. Tuổi Ngọc đầu hàng. Thua hết. Đầu hàng giá giấy. Đầu hang còng ấn loát. Thiện chí vẫn còn song con người đã mỏi mệt. Người bạn nhỏ, hãy tha thứ con sên, đừng trách móc nó.

Tội nghiệp. Một danh nhân đã nói: "Ở đời, ít khi người ta thực hiện nổi giấc mộng của mình." Tôi đã chưa từng làm nổi một tuần báo tuổi ngọc xứng đáng với sự mong đợi của bạn đọc. Như một cô nhân tình thiếu thủy chung, tôi đã phụ tình bạn đọc. Như một người vợ thiếu quán xuyến, tôi đã phụ tình bạn đọc. Tôi đã lùi bước, đã biến những hứa hẹn của mình thành những lời nói dối đáng khép tội.

Chiều nay, trong cơn mưa tầm tã, nhìn ra ngoài trời qua khung cửa nhỏ, tôi thấy rõ hình ảnh tôi chập chờn trước rạp chiếu bóng tỉnh lỵ. Tôi đang bị chuông réo hồn. Tôi đang điên ruột chẳng hiểu thần tượng Herman Brix của tôi có được hiệp sĩ Toronto giải thoát hay chết tan xương dưới tay gian tặc. Như cậu bé ngày xưa, thần tượng Tuổi Ngọc của tôi phải được hiệp sĩ Toronto cứu sống. Hiệp sĩ đã không chết. Bởi nếu hiệp sĩ chết, lấy ai cứu khốn phò nguy. Tuổi Ngọc cũng không thể chết. Cái gì có ý hướng tốt đẹp đều sống lâu. Tôi ước ao vậy. Tôi mộng mơ thế. Sẽ có ngày tuần báo Tuổi Ngọc đến với bạn lộng lẫy và phong phú. Đó là ngày của chủ nhiệm Đinh Tiến Luyện hay của Chương còm, Danh ná, Dzũng Đakao... Không còn là ngày của tôi nữa. Tôi đã già rồi. Tôi đang đi vào hoàng hôn cuộc đời. Tôi đã già rồi. Đã già rồi cả nụ cười lẫn giọt nước mắt.

(25-9-1973)
Kỳ Trước | Kỳ Sau

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên