1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 16

TÙNG PHONG (NGÔ ĐÌNH NHU)
Phần IV (B)
Tư tưởng, phương pháp và hình thức.


Loại trừ chủ nghĩa Cộng Sản ra khỏi cơ thể của cộng đồng quốc gia, có nghĩa là loại trừ tư tưởng Cộng Sản, phương pháp Cộng Sản, và hình thức Cộng Sản ra ngoài mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống quốc gia. Đối với tư tưởng Cộng Sản, sự ngộ nhận khó có dịp xảy ra, bởi vì, chẳng những tư tưởng đó có đặc tính rất riêng biệt, mà lại ngôn ngữ dùng để diễn tả các tư tưởng cũng rất đặc biệt, cũng như lối biện luận rất đặc biệt của biện chứng pháp duy vật. Nhưng sự ngộ nhận thường xảy ra đối vớ các phương pháp Cộng Sản và hình thức Cộng Sản, vì những nguyên nhân sau đây.
Lý do sâu xa đã làm cho nước Nga thâu nhận thuyết Cộng Sản làm lợi khí tranh đấu như chúng ta đã biết, là ý chí thực hiện công cuộc phát triển dân tộc Nga bằng cách Tây phương hóa. Vì vậy cho nên tất cả kỹ thuật của Tây phương đều được Nga thâu nhận làm của mình. Khoa học của Tây phương là khoa học của Nga, phương pháp khoa học của Tây phương, trong mọi lĩnh vực là phương pháp khoa học của Nga, trong mọi lĩnh vực. Nhiều lần, vì tự ty mặc cảm đối với sự lệ thuộc kỹ thuật đó, Nga Sô, muốn biểu lộ sự độc lập của duy vật biện chứng pháp đối với lối suy luận “tư bản” của Tây phương, đã đưa ra những thuyết khoa học ly kỳ như thuyết Lisenko[1] trong ngành sinh học. Mặc dù đã cẩn thận, thay vì một ngành như toán học trong đó sự sưu tầm đã bao quát, lựa chọn một ngành như sinh học trong đó sự khảo cứu còn thiếu sót, sự không thành thật của Lisenko lâu ngày cũng bộc lộ. Và sau khi mục đích phát triển kỹ thuật đã đạt, sau khi Nga Sô đã chứng minh khả năng thật sự của mình về khoa học, tự ty mặc cảm không còn nữa, thì chính các nhà bác học Nga Sô đã bác bỏ thuyết Lisenko. Khi còn ở trong một giai đoạn ấu trĩ của công cuộc Tây phương hóa, người Nhật cũng lầm những lỗi tương tự như Nga. Các sự kiện trên lại chứng minh tính cách quốc tế và nhân loại của khoa học.
Nhưng cũng vì các sự kiện đó mà có sự lầm lẫn giữa phương pháp Cộng Sản và phương pháp Tây phương, hình thức tổ chức Cộng Sản và hình thức tổ chức Tây phương. Ở Việt Nam, sự lầm lẫn còn trầm trọng hơn nữa, vì một lý do lịch sử.
Sau tám mươi năm bị loại ra khỏi các trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều người Việt Nam đã làm quen trở lại với các vấn đề lãnh đạo, nhưng dưới sự chi phối của Đảng Cộng Sản. Vì vậy cho nên, tất cả các kỹ thuật trong mọi lĩnh vực, mà Cộng Sản học được của Tây phương và mang ra thực hành ở Việt Nam, đều bị ngộ nhận là sáng kiến độc quyền của Cộng Sản. Ví dụ, ngày nay, nhiều người vẫn xem lối làm việc tập thể hay công cuộc tổ chức quần chúng là những sáng kiến của Cộng Sản, và không biết rằng, thật ra, chính lối làm việc tập thể và sự tổ chức tinh vi trong mọi lĩnh vực của đời sống là nguồn gốc sinh lực của Tây phương.


Bộ máy lãnh đạo.
Bộ máy lãnh đạo của Cộng Sản tổ chức theo lối độc tài Đảng trị cũng là một bộ máy lãnh đạo do Tây phương tạo ra đồng thời với thuyết Cộng Sản. Chỉ có khác ở chỗ Tây phương đã loại bỏ thuyết Cộng Sản đồng thời với phương pháp lãnh đạo Cộng Sản.
Đối với các quốc gia Cộng Sản, thâu nhận phương pháp lãnh đạo Cộng Sản, là thực hiện một bộ phận, bộ phận của lĩnh vực lãnh đạo trong công cuộc Tây phương hóa toàn diện, theo đường lối Cộng Sản.
Nếu chúng ta loại trừ lý thuyết Cộng Sản ra ngoài mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống quốc gia, đương nhiên chúng ta cũng loại trừ phương pháp lãnh đạo Cộng Sản.
Nhưng công cuộc Tây phương hóa bộ máy lãnh đạo của chúng ta vẫn là một phần thiết yếu trong công cuộc Tây phương hóa toàn diện mà chúng ta chủ trương.
Như thế, bộ máy lãnh đạo của quốc gia sẽ được chúng ta quan niệm như thế nào? Có phải chúng ta chỉ cần thâu nhận bộ máy lãnh đạo của một quốc gia Tây phương là đủ không?
Và, trong trường hợp đó, vì lâu nay chúng ta rất quen thuộc với các kỹ thuật của người Pháp, thì sự tiện lợi cho chúng ta trong lĩnh vực lãnh đạo không phải là thâu nhận bộ máy lãnh đạo của người Pháp sao? Nếu,vì một lý do nào, chúng ta không thể tổ chức bộ máy lãnh đạo của chúng ta theo kiểu bộ máy lãnh đạo của người Pháp, thì chúng ta có thể tổ chức bộ máy lãnh đạo của chúng ta theo kiểu quân chủ lập hiến của người Anh hoặc theo kiểu Tổng thống chế của người Mỹ không?
Thật ra vấn đề đặt ra cho chúng ta trong lĩnh vực lãnh đạo không phải như vậy, và trong thực tế rất phức tạp hơn nhiều.
Chúng ta còn nhớ, công cuộc Tây phương hóa, không đường hướng và không mục đích, dưới thời Pháp thuộc đã lưu lại cho dân tộc nhiều hậu quả tai hại. Trong công cuộc Tây phương hóa đó, không toàn diện và không đến mức độ đủ cao, chỉ có hình thức bề ngoài được chú trọng và các tinh túy đựng trong hình thức hoàn toàn không được biết đến.
Trái lại, trong công cuộc Tây phương hóa có đường hướng, có mục đích mà chúng ta chủ trương, tuy tính cách đáng chú ý của hình thức không bị phủ nhận, nhưng chỉ có cái tinh túy đựng bên trong hình thức mới là quan trọng.
Trong phạm vi của sự Tây phương hóa bộ máy lãnh đạo của quốc gia, chúng ta sẽ tìm nhận thức các nguyên tắc ngự trị quan niệm lãnh đạo của Tây phương. Sau đó chúng ta sẽ cụ thể hóa những nguyên tắc bằng một hình thức của bộ máy lãnh đạo. Nhưng hình thức này, chẳng những phải thỏa mãn các nguyên tắc căn bản nói trên, mà còn phải được kiến trúc bằng vật liệu địa phương và phải được thích nghi với hoàn cảnh địa phương.
Dưới đây, chúng ta sẽ không đi sâu vào chi tiết của một bản hiến pháp, thẩm quyền của các nhà soạn thảo hiến pháp.
Tuy nhiên chúng ta sẽ nhận thức các nguyên tắc mà một bộ máy lãnh đạo, vừa được Tây phương hóa, vừa được thích nghi hóa với hoàn cảnh địa phương của chúng ta, cần phải tôn trọng.
Trong nhiều đoạn, ở rải rác trong các trang trên, mặc dầu không liên quan trực tiếp đến vấn đề bộ máy lãnh đạo, nhưng vì sự sáng tỏ của vấn đề trình bày, chúng ta cũng đã đề cập đến những nguyên tắc mà một bộ máy lãnh đạo, theo quan niệm của Tây phương, cần phải tôn trọng. Thừa hưởng văn minh cổ Hy Lạp và La Mã, sau hơn một ngàn năm kinh nghiệm với các vấn đề lãnh đạo, đức tính chính xác về lý trí và minh bạch và ngăn nắp trong tổ chức của Tây phương, đã góp vào di sản văn minh nhân loại một hình thức của bộ máy lãnh đạo, hình thức dân chủ Pháp trị, có nhiều khả năng duy trì và phát triển trạng thái thăng bằng động tiến của cộng đồng.
Hình thức của bộ máy lãnh đạo, hiện nay của Tây phương, phải thỏa mãn những điều kiện nhắc lại dưới đây:
1.- Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự liên tục lãnh đạo quốc gia.
2.- Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự chuyển quyền một cách hòa bình từ lớp người lãnh đạo trước cho lớp người lãnh đạo sau.
3.- Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự thay đổi người lãnh đạo.
4.- Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự áp dụng nguyên tắc thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của tập thể.
Ngoài bốn điều kiện trên, bảo đảm tinh thần trường cửu của bộ máy lãnh đạo, ba điều kiện dưới đây bảo đảm sự điều hành thiết thực và ngắn hạn của bộ máy lãnh đạo.
5.- Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm một sự lãnh đạo quốc gia mở rộng, mục đích đào tạo nhiều người lãnh đạo.
6.- Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm sự kiểm soát người cầm quyền.
7.- Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm sự hữu hiệu của chính quyền.


Áp dụng vào Việt Nam.
Chúng ta đã biết rằng nguồn gốc chính của sức mạnh của các cường quốc, như Anh hay Mỹ, là sự thành công của họ trong việc thực hiện sự liên tục lãnh đạo quốc gia trong nhiều thế kỷ. Tất cả các kinh nghiệm lãnh đạo, trong nhiều thế hệ, còn giữ nguyên vẹn, kỹ thuật lãnh đạo nhờ đó mà càng ngày càng tinh vi. Các bí mật quốc gia được truyền lại toàn vẹn, tất cả các kho tàng của dĩ vãng được xếp vào văn khố và có người biết sử dụng văn khố. Ngày nay một nhà lãnh đạo Anh đứng lên, đương nhiên sau lưng có một hậu thuẫn 400 năm dĩ vãng, một di sản vô cùng quý báu tạo ra cho họ một sức mạnh phi thường. Bởi vì, với hậu thuẫn hiếm có đó, một nhà lãnh đạo Anh có thể ứng phó và giải quyết những vấn đề vượt hẳn khả năng của những người, dầu tài ba đến đâu nhưng lại thiếu hậu thuẫn của dĩ vãng.
Muốn thực hiện được sự liên tục lãnh đạo quốc gia nói trên, một bộ máy lãnh đạo phải thỏa mãn ba điều kiện.
Trước hết phải chấp nhận nguyên tắc thay đổi người lãnh đạo lúc cần, và cả lúc bình thường miễn là những thay đổi không quá nhặt trong thời gian để cho sự thay đổi không có thể biến thành hỗn loạn. Điều thứ hai, bộ máy lãnh đạo phải được quan niệm như thế nào để cho sự chuyển quyền lúc nào cũng thực hiện được một cách bình thường trong êm ái và hòa bình, giữa người lãnh đạo mãn nhiệm và người lãnh đạo mới thọ nhiệm. Điều thứ ba, là bộ máy lãnh đạo phải có một hình thức tổ chức vừa tượng trưng cho sự liên tục lãnh đạo quốc gia, vừa thể hiện cho sự liên tục đó trong thực tế.
Để thỏa mãn điều kiện thứ ba, các chính thể trên thế giới áp dụng nhiều hình thức khác nhau nhưng chung qui thuộc về bốn loại. Ở Pháp, quốc trưởng là Tổng Thống tượng trưng cho sự liên tục lãnh đạo quốc gia; Ở Mỹ, tổ chức Tối cao Pháp đình; Ở Nga, Đảng Cộng Sản; Ở các nước quân chủ, có Vua và Hoàng Gia.
Chức vụ Tổng Thống ở Pháp không hoàn toàn thỏa mãn được sự tượng trưng cho sự liên tức lãnh đạo quốc gia, bởi vì óc sợ độc tài của người Pháp giới hạn nhiệm kỳ Tổng Thống là 5 năm hay 7 năm. Chẳng những thế, sự tranh chấp giữa các Đảng chính trị, mọc ra như nấm, thường tạo ra cho các cuộc bầu cử Tổng Thống một không khí trả giá, làm giảm uy nghiêm của người Quốc Trưởng.
Các giới lãnh đạo trong các lĩnh vực của đời sống quốc gia phải có một tinh thần trách nhiệm và tự giác rất cao và một kinh nghiệm lãnh đạo trưởng thành mới đưa một tổ chức như Tối Cao Pháp đình ở Mỹ lên bằng một tượng trưng sự liên tục lãnh đạo quốc gia.
Trong các hình thức nêu ra trên đây, hình thức Đảng Cộng Sản ở Nga là một hình thức kém hơn cả, bởi vì, trong thực tế, Đảng Cộng Sản hoàn toàn thất bại trong việc thực hiện sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Chế độ Cộng Sản không chấp nhận sự thay đổi lãnh đạo và khi lãnh đạo từ trần hay cần phải thay đổi sự tranh cướp chính quyền thường thường diễn ra một cách đẫm máu. Đây là một trong các nhược điểm của chế độ Cộng Sản.
Cho đến ngày nay, hình thức thỏa mãn nhất điều kiện bảo đảm sự liên tục lãnh đạo quốc gia là hình thức Hoàng gia của các chế độ có vua như ở Anh và ở Nhật. Vì thế cho nên, sau khi chiến bại, mặc dù áp lực mạnh bạo và hành vi người chiến thắng của quân đội Mỹ đối với Thiên Hoàng, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, một lần nữa đã tỏ ra vô cùng sáng suốt, khi mang hết nỗ lực để bảo vệ Hoàng Gia Nhật. Hoàng Gia là biểu hiện cho sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Nhà Vua thể hiện sự liên tục lãnh đạo quốc gia và đóng vai trò người thác thụ các bí mật quốc gia.
Nhân vấn đề này, một lần nữa, chúng ta lại nhận thức rằng sự lỡ cơ hội phát triển của chúng ta, thế kỷ vừa qua, đối với dân tộc chúng ta, là một tai hại vô cùng to tát. Nếu nhà Nguyễn đã thực hiện được công cuộc duy tân, như Vua Duy Tân đã có ý định thì ngày nay, có lẽ, ngoài sự phát triển dân tộc đã thực hiện được, chúng ta đã thừa hưởng một chính thể có những nền tảng vững chắc vào bậc nhất trong thế giới.
Trong bốn hình thức trên đây, không có hình thức nào áp đụng cho chúng ta được, vì những lý do mà mọi người đều đoán biết. Hình thức Đảng Cộng Sản không thể chấp nhận được vì chúng ta đã đặt vấn đề tiên quyết loại trừ chủ nghĩa Cộng Sản, và vì hình thức đó không có khả năng thỏa mãn điều kiện bảo đảm sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Hình thức chức vụ Tổng Thống ở Pháp cũng không hoàn toàn bảo đảm sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Nhà Nguyễn đã bỏ lỡ cơ hội áp dụng hình thức Hoàng Gia. Hình thức tối cao Pháp đình ở Mỹ không thể áp dụng được vì kinh nghiệm lãnh đạo của chúng ta còn ấu trĩ, trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc gia. Chúng ta phải tìm một hình thức tương tự như hình thức thứ tư trên đây, nhưng để được thích nghi hóa với hoàn cảnh địa phương của chúng ta, không đòi hỏi một kinh nghiệm lãnh đạo mà chúng ta còn thiếu, và một tinh thần trách nhiệm cao độ chỉ tìm được ở một số ít người.
Chúng ta có thể đặt ra một Thượng hội đồng quốc gia, gồm những người có công trạng với tổ quốc và thấu triệt các vấn đề lãnh đạo quốc gia, mà số lượng sẽ phù hợp với hoàn cảnh. Số người này sẽ được thay đổi một bách phân, trong một định kỳ, theo những thể thức thích nghi với điều kiện nội bộ của chính trường Việt Nam. Và trong một chu kỳ nhất định, Thượng hội đồng sẽ bầu một Quốc Trưởng, trong hay ở ngoài, hàng ngũ của mình.
Thượng hội đồng sẽ tượng trưng cho sự lãnh đạo liên tục quốc gia, riêng biệt với nhiệm vụ Quốc Trưởng. Quốc Trưởng thể hiện cho sự liên tục đó trong thực tế và đồng thời là người thụ thác các bí mật quốc gia.
Điều kiện thay đổi người lãnh đạo có thể thực hiện được bằng cách giao quyền hành pháp cho một người Thủ Tướng, chọn trong những người lãnh đạo của hai đảng chính trị sẽ nói đến dưới đây. Thủ Tướng sẽ do Quốc Trưởng bổ nhiệm với sự đồng ý của tổ chức tượng trưng cho sự lãnh đạo liên tục của quốc gia. Để tránh các sự lạm dụng có thể xảy ra, các nhà soạn hiến pháp có thể đặt ra những cơ thức kiểm soát giản dị và hữu hiệu.


Hai khuynh hướng.
Hai yếu tố chính, trong trạng thái thăng bằng động tiến của một quốc gia, là quyền lợi ngắn hạn của cá nhân của các phần tử trong tập thể và quyền lợi dài hạn của tập thể. Nếu chúng ta đặt nặng về quyền lợi cá nhân và bỏ quyền lợi của tập thể, tập thể suy đồi rồi quyền lợi cá nhân cũng mất, vì không được bảo vệ bởi tập thể. Nhưng nếu chúng ta chỉ chú trọng đến quyền lợi tập thể và hy sinh tất cả quyền lợi của cá nhân, thì các phần tử của tập thể không còn lý do sống nữa, và chính mục đích của tập thể, là bảo vệ đời sống cho cá nhân, cũng sẽ phá sản và do đó tập thể không còn lý do tồn tại nữa.
Vì vậy cho nên, sự giữ một trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của tập thể là điều chính yếu trong sự lãnh đạo quốc gia.
Đã nhận thức như vậy rồi thì biện pháp hữu hiệu để cụ thể hóa việc nuôi dưỡng trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể, là thu họp hai xu hướng tự nhiên phải có ở mỗi phần tử của tập thể vào hai nguồn tư tưởng chính trị. Một bên nặng vì tập thể và một bên nặng về cá nhân. Trong thực tế hai Đảng chính trị tự đặt cho mình, một bên, một mục đích bảo vệ quyền lợi tập thể, và một bên, mục đích bảo vệ quyền lợi cá nhân, thay nhau mà lãnh đạo quốc gia dưới sự kiểm soát tương phản. Các nhà lãnh đạo của hai đảng thay nhau nắm quyền hành pháp đương nhiên được quốc gia cung cấp phương tiện hoạt động và Đảng nắm quyền đối lập cũng phải được quốc gia cung cấp phương tiện hoạt động.
Đại diện của hai đảng thi hành nhiệm vụ của mình ở nghị trường. Và nhiệm vụ đó là lập pháp và kiểm soát hành pháp.
Dưới các chế độ độc đảng, như các chế độ độc tài hay Cộng Sản, sự kiểm soát hành pháp hoặc không có hoặc thi hành một cách tương đối. Sở dĩ, dưới chế độ Cộng Sản sự tự phê bình và tự kiểm thảo đã được phát huy là vì chế độ độc đảng của họ không chấp nhận một sự kiểm soát từ ngoài đưa đến, cho nên bắt buộc phải tổ chức một sự tự kiểm soát trong nội bộ. Nhưng một sự tự kiểm soát trong nội bộ không bao giờ chu đáo được, bởi vì, dầu mà các người tự phê bình, tự kiểm thảo trong nội bộ có đủ thành thật đi nữa, một điều rất ít có, thì họ vẫn có thể thành thật mà lầm lẫn. Trong khi đó, một sự kiểm soát từ bên ngoài đưa đến, đương nhiên không mù quáng trước các lầm lẫn của đối phương.
Nhiệm vụ lập pháp không thể hoàn toàn giao phó cho tổ chức nghị trường được. Trong trình độ dân trí hiện nay của xã hội chúng ta, tính cách đại diện sâu rộng cho nhân dân không thích hợp với khả năng chuyên môn mà công cuộc lập pháp đòi hỏi. Nhiệm vụ lập pháp cần giao cho một tổ chức lập pháp chuyên môn, gồm những nhà luật học về hiến pháp và luật pháp. Tổ chức nghị trường có thể đề nghị dự án luật, phản đối hay chấp nhận dự án luật.
Hai đảng chính trị có nhiệm vụ mở rộng vấn đề lãnh đạo và đào tạo nhiều người lãnh đạo.
Dưới bộ máy lãnh đạo, có bộ máy hành chính, bộ máy quân sự và bộ máy tổ chức quần chúng. Bộ máy lãnh đạo là cái não, bộ máy hành chính và bộ máy quân sự là chân tay, và bộ máy tổ chức quần chúng là cái vận tống để đưa bộ máy lãnh đạo đến nhân dân và đưa nhân dân đến bộ máy lãnh đạo.
Như thế, xây dựng một bộ máy lãnh đạo Tây phương hóa không phải là đặt ra những bộ phận hành pháp, lập pháp, tư pháp..., giống như những bộ phận tương tự nhận thấy ở các bộ máy lãnh đạo của các nước Tây phương, hoặc dịch những danh từ của họ đã dùng để đặt cho các bộ phận của chúng ta đã tạo ra một cách miễn cưỡng. Vì như thể là chúng ta lại mắc vào cái bệnh hình thức. Bệnh hình thức ở đây cũng như ở các lĩnh vực khác của đời sống quốc gia, là di sản của thời kỳ Tây phương hóa không mục đích và không đường hướng thời Pháp thuộc.
Xây dựng một bộ máy lãnh đạo Tây phương hóa, là trước hết tìm hiểu bản chất của bộ máy đó, là phân tích các nguyên tắc ngự trị của bản chất đó, và nhận thức các hình thức dùng để cụ thể hóa các nguyên tắc trên.
Sau đó, với những vật liệu địa phương, được sử dụng trong hoàn cảnh địa phương, chúng ta xây dựng một bộ máy lãnh đạo thích nghi và hữu hiệu cho chúng ta, với những hình thức cố nhiên phải uốn nắn theo những điều kiện mà chúng ta đã nhận thức.
Nói một cách khác, làm thế là chúng ta đã Tây phương hóa có đường hướng bộ máy lãnh đạo của chúng ta. Sau khi phân tích và nhận thức các nguyên tắc ngự trị bộ máy lãnh đạo Tây phương, chúng ta xây dựng với những vật liệu của dân tộc và được sử dụng trong hoàn cảnh hiện tại của dân tộc, một bộ máy lãnh đạo thích nghi với hoàn cảnh của chúng ta nhưng vẫn tôn trọng những nguyên tắc ngự trị bộ máy lãnh đạo của Tây phương. Những nguyên tắc đó không khác những nguyên tắc ngự trị khả năng sáng tạo khoa học mà chúng ta đã biết. Trong trường hợp này, là tính cách ngăn nắp của các bộ phận của bộ máy lãnh đạo. Tính cách phân minh của sự phân chia trách nhiệm và quan niệm chính xác về sự liên hệ giữa các trách nhiệm.


Kỷ luật quốc gia.
Giả sử chúng ta có thành công trong công cuộc tổ chức bộ máy lãnh đạo quốc gia, thì sự thành công của bộ máy đó, trong công việc lãnh đạo quốc gia, lại tùy thuộc ở yếu tố nhân sự. Bộ máy lãnh đạo quốc gia sẽ thành công trong công việc lãnh đạo quốc gia, nếu các nhân sự có trách nhiệm trong mỗi bộ phận của bộ máy, hiểu rõ phạm vi và giới hạn của trách nhiệm, quả quyết thi hành trách nhiệm và có đủ khả năng đảm đương trách nhiệm. Và nhân dân, mặc dù không ý thức một cách sung mãn các vấn đề lãnh đạo, nhưng cũng phải được trang bị đủ kiến thức để ý thức vấn đề cần phải giải quyết của dân tộc, và chấp nhận hay phản đối một sự lãnh đạo có lợi hay có hại cho vấn đề này.
Do đó, vấn đề tổ chức quần chúng là một vấn đề chính yếu trong đời sống quốc gia, như chúng ta sẽ thấy với chi tiết ở một đoạn dưới đây.
Các yếu tố nhân sự kể trên đây thuộc vào một biểu lộ tinh thần chung: tinh thần kỷ luật quốc gia. Tinh thần kỷ luật là một sự kiện thiết yếu cho mọi tập thể. Có tập thể là có kỷ luật. Có kỷ luật tập thể mới tồn tại. Tập thể càng lớn, kỷ luật càng thiết yếu, càng phức tạp và vô hình. Tập thể quốc gia là một tập thể lớn nhất của một dân tộc vì thế kỷ luật quốc gia thiết yếu nhất cho dân tộc.
Có thể quan niệm kỷ luật quốc gia dưới hai hình thức, kỷ luật quốc gia tự do ưng thuận, và kỷ luật quốc gia cưỡng bách. Nếu mỗi người của chúng ta ý thức được tính cách thiết yếu của kỷ luật quốc gia và tự qui phục kỷ luật đó, thì chúng ta áp dụng một kỷ luật quốc gia tự do ưng thuận. Dân tộc càng có tính khí, kỷ luật quốc gia càng được tự do ưng thuận. Nếu chúng ta không tự qui phục kỷ luật quốc gia, thì sự sống còn của tập thể chúng ta sẽ bị cưỡng bách đặt mình vào kỷ luật quốc gia....
Tuy nhiên, vấn đề kỷ luật quốc gia, cũng như tất cả các vấn đề liên quan đời sống của một cộng đồng, vô cùng phức tạp. Từ thái độ cực đoan cưỡng bách của phương pháp độc tài Đảng trị của Cộng Sản đến thái độ cực đoan tự do đến hỗn loạn, còn có một loạt trạng thái thăng bằng, như một quang phổ, hòa hợp tự do và cưỡng bách. Thả lỏng cho tự do hoành hành đến hỗn loạn, hay đặt thành nguyên tắc cực đoan cưỡng bách theo phương pháp độc tài Đảng trị của Cộng Sản, đều là những thái độ chọn một thăng bằng chết, là chọn một con đường dễ. Trong khi đó đời sống, cũng như việc lãnh đạo quốc gia, trước hết là duy trì và phát triển một trạng thái thăng bằng động tiến giữa hai lực lượng tương phản.
Trong trường hợp kỷ luật quốc gia, thực hiện trạng thái thăng bằng động tiến có nghĩa, cho các quốc gia ở trong khối tự do, là đặt nguyên tắc tôn trọng tự do nhưng chế ngự bằng một định phân cưỡng bách cần thiết để bồi dưỡng và phát triển thăng bằng. Định phân cưỡng bách lớn hay nhỏ tùy theo trình độ tự giác của các phần tử trong tập thể đối với tính cách thiết yếu của kỷ luật cộng đồng; Nếu trình độ tự giác cao, định phân cưỡng bách nhỏ, và nếu trình độ tự giác thấp, quyền lợi của cộng đồng đòi hỏi một định phân cưỡng bách cao. Định luật của xã hội là như vậy: nếu tinh thần tự chủ cao, thì trình độ tự giác sẽ cao, phân định cưỡng bách sẽ thấp, và chế độ sẽ là một chế độ có nhiều tự do, và mỗi phần tử trong cộng đồng sẽ tự mình làm chủ mình. Nếu tinh thần tự chủ kém, trình độ tự giác sẽ thấp, phân định cưỡng bách sẽ cao và chế độ sẽ là một chế độ từ do hạn chế, và mỗi phần tử trong cộng đồng sẽ nhường một phần lớn, quyền làm chủ mình, cho cộng đồng.
Nếu trình độ tự giác vô cùng nghèo nàn, thì thăng bằng sẽ bị phá vỡ, theo một trong hai cơ thức, tuy có khác nhau nhưng đương nhiên sẽ dẫn dắt đến cùng một kết quả.
Nếu trình độ tự giác vô cùng nghèo nàn, sự thực hiện một kỷ luật quốc gia, nhân danh quyền lợi của cộng đồng, sẽ đòi hỏi định phân cưỡng bách cao độ. Các nhà lãnh đạo trong hoàn cảnh đó, dễ bị các phương pháp độc tài cám dỗ. Riêng đối với chúng ta, chúng ta đã biết một chế độ độc tài sẽ mở cửa cho ngoại xâm của Tàu và cho đời sống nô lệ trong nhiều thế hệ.
Nên, trong trường hợp một trình độ tự giác nghèo nàn, nhưng các nhà lãnh đạo không vì quyền lợi của cộng đồng mà đòi hỏi một định phân cưỡng bách cao độ, sự hỗn loạn sẽ hoành hành và đương nhiên cũng mở cửa cho ngoại xâm, bằng cách làm tan rã cộng đồng...
Như thế vấn đề đã rõ. Nếu chúng ta muốn làm chủ chúng ta, nghĩa là làm chủ vận mạng quốc gia của chúng ta, chúng ta phải cố gắng tạo cho chúng ta một trình độ tự giác cao đối với kỷ luật quốc gia. Nếu không người khác sẽ làm chủ vận mạng chúng ta.


Bộ máy quần chúng.
Như chúng ta đã thấy, trong một phần trên đây, một đặc tính của sự tan rã của xã hội chúng ta là sự mất tín hiệu tập hợp đối với các phần tử trong cộng đồng quốc gia.
Ở trong một cộng đồng, tín hiệu tập hợp quan trọng ở chỗ, nếu có tín hiệu tập hợp, thì sự huy động các phần tử của cộng đồng để theo đuổi một công cuộc chung mới có thể thực hiện được.
Nước Nhật, khi bắt đầu công cuộc Tây phương hóa, lợi khí sắc bén nhất của họ là tổ chức xã hội còn nguyên vẹn, và sự tin tưởng vào Thiên Hoàng. Các nhà lãnh đạo Nhật đã dùng sự tin tưởng vào Thiên Hoàng làm một tín hiệu tập hợp để huy động quần chúng thực hiện công cuộc phát triển dân tộc. Chúng ta đã biết sự thành công của họ. Giả sử chúng ta bắt đầu công cuộc Tây phương hóa đồng thời với Nhật, nghĩa là khi Tây phương mới tấn công, lúc mà xã hội chúng ta chưa bị tan rã, thì chắc chắn những giá trị tiêu chuẩn lúc bấy giờ của xã hội có thể dùng làm những tín hiệu tập hợp rất hiệu quả. Và sự huy động toàn dân vào công cuộc phát triển dân tộc có nhiều ưu thế hơn ngày nay.
Xã hội chúng ta ngày nay, sau thời Pháp thuộc, bị tan rã. Các tín hiệu tập hợp không còn. Các nhà lãnh đạo, để qui tụ quần chúng, hoặc khai thác mê tín, ở đâu cũng có, của quần chúng, hoặc áp dụng một chính sách độc tài cưỡng bách.
Khai thác mê tín, sẽ dẫn dắt đến một ngõ không lối thoát vì hai lý do. Trước nhất, chính người lãnh đạo cũng mê tín, thì sẽ đưa đám người tin tưởng ở mình vào những con đường phiêu lưu không thiết thực và nhất là không thích nghi với những vấn đề chính của dân tộc. Nếu người lãnh đạo chính mình không mê tín, nhưng đám người mê tín theo họ sẽ không sống trong thực tế nữa. Và nếu họ đã không sống trong thực tế, thì không làm sao dẫn dắt đám người mê tín này vào con đường Tây phương hóa. Không làm sao mang các lý luận xác thực của khoa học thay thế vào các sự huyền bí và hoang đường trong não của họ.
Đối với một chính sách độc tài cưỡng bách, chúng ta đã biết hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa dư của chúng ta không cho phép chúng ta áp dụng, nếu chúng ta không muốn đưa dân tộc trở vào vòng nô lệ.
Trong một xã hội mà tổ chức không bị tan rã, tín hiệu tập hợp còn giữ nguyên giá trị, các tổ chức quần chúng không thiết yếu cho công cuộc lãnh đạo bằng trong một xã hội mà tín hiệu tập hợp không còn.
Và xã hội của chúng ta ngày nay ở trong tình trạng thứ nhì, vì thế cho nên tổ chức quần chúng đối với chúng ta vô cùng cần thiết.


Xã hội không tổ chức.
Chúng ta đã thấy, trong một đoạn trên, xã hội của chúng ta ngày nay hoàn toàn vô tổ chức. Sự vô tổ chức đã bắt đầu từ ngày, trong công cuộc Nam tiến, sự chiếm đóng các đất mới đã không được thi hành đúng theo nguyên tắc tổ chức hạ tầng của xã hội chúng ta, lúc nguyên khởi. Các làng mạc ở Nam miền Trung và miền Nam mất dần hình thức chặt chẽ và trù mật cần thiết cho một cuộc sống tập thể. Vì vậy cho nên, cùng với sự mất hình thức trù mật của hạ tầng, tổ chức xã hội hạ tầng cũng mất.
Thời kỳ Pháp thống trị đã làm cho sự tan rã đó càng thêm trầm trọng. Đối với nơi nào mà các tổ chức hạ tầng đã hư hỏng thì sự thống trị của Pháp càng làm cho sự hư hỏng tăng thêm nhiều lên. Bởi vì, như chúng ta đã biết, bản chất của nền cai trị thực dân là không thiết gì đến tương lai của dân bị trị. Nhiệm vụ của nó chỉ giữ trị an. Và vì vậy cho nên tổ chức quần chúng của chúng ta đối với người Pháp, là không quan hệ, ngược lại, nó còn là một trở lực cho công cuộc trị an. Người Pháp chỉ chú trọng đến một bộ máy hành chính chuyên giữ trị an để phục vụ quyền lợi kinh tế của người thống trị. Và như vậy thì sự giữ cho dân chúng sống rời rạc là một yếu tố quyết định cho sự thành công của chính sách thực dân.
Đối với những vùng mà tổ chức hạ tầng của chúng ta còn tương đối chặt chẽ, như ở miền Trung và miền Bắc, thì người Pháp cũng đã làm vỡ tung các tổ chức xã hội hạ tầng của chúng ta. Trước hết, họ đã mang vào nước chúng ta một hệ thống kinh tế, mà tầm hoạt động bao trùm hết lãnh thổ Đông Dương thuộc quyền của họ, để thay thế một hệ thống kinh tế đặt trên căn bản tổ chức làng mạc xưa của chúng ta. Kế đó là sự đặt ra chính sách thuế vụ trực tiếp với người dân để thay thế cho chính sách thuế vụ cũ đặt qua trung gian làng mạc, kể như là những đơn vị xã hội, sau gia đình.
Dù mà các tổ chức hạ tầng của chúng ta có bền chặt đến đâu, những biện pháp trên cũng làm vỡ tung ra được.
Hậu quả của những sự kiện trên, là sự vô tổ chức của xã hội chúng ta ngày nay. Nếu những tín hiệu tập hợp của chúng ta còn nguyên giá trị, thì ảnh hưởng của sự vô tổ chức này sẽ bớt tai hại. Nhưng chính tín hiệu tập hợp của chúng ta lại cũng mất đi vì thời gian thống trị của thực dân Pháp.
Vì vậy cho nên, sự vô tổ chức ngày nay là một tình trạng không thể nào để vậy được nếu chúng ta muốn dẫn dắt cộng đồng dân tộc vào con đường thực hiện những công trình vĩ đại như công cuộc phát triển mà chúng ta phải đạt cho kỳ được trong giai đoạn này.


Trình độ vô tổ chức.
Chúng ta phải ý thức rằng, sự vô tổ chức của xã hội chúng ta ngày nay ở vào một trình độ rất trầm trọng. Bởi vì chúng ta đã loại trừ chủ nghĩa Cộng Sản, thì đương nhiên, khi nhận xét rằng xã hội chúng ta vô tổ chức, chúng ta không hề lấy sự quân đội hóa quần chúng trong xã hội Cộng Sản làm tiêu chuẩn. Nhưng, sự kiện mà chúng ta muốn nêu lên, là chính những tổ chức quần chúng của các quốc gia Tây phương, đặt sự tôn trọng tự do cá nhân làm một nghiêm luật của văn minh, chúng ta cũng không có.
Giả sử có ba nhóm người, một nhóm người của chế độ Cộng Sản, một nhóm của chế độ tự do Tây phương và một nhóm người Việt Nam. Cả ba nhóm đều đứng trước một thử thách chung: phải vượt qua một đoạn đường dài có nhiều trở lực thiên nhiên bất ngờ, để di chuyển từ một địa điểm A đến một địa điểm B. Hành động của ba nhóm người sẽ ra sao?
Trước hết, trong nhóm người của chế độ Cộng Sản, theo lệnh của người chỉ huy, tất cả đều vào hàng ngũ đã có của mình. Có từng đội nhỏ, dưới sự chỉ huy nghiêm khắc của một đội trưởng. Tất cả các đội họp lại thành đoàn, đặt dưới quyền của một người chỉ huy. Các đội trưởng, súng cầm tay, đạn chuẩn bị, lúc nào cũng sẵn sàng nổ súng, mọi người đều khiếp sợ và nghiêm chỉnh thi hành thượng lệnh. Lãnh tụ giải thích rằng, vì quyền lợi của giai cấp vô sản, Đảng và lãnh tụ nhận định sự di chuyển cần phải được thực hiện theo một lộ trình duy nhất mà lãnh tụ đã biết. Tất cả đều vừa đồng loạt hoan hô vừa nhìn nòng súng sâu thẳm đang chĩa vào người.
Và cả nhóm tiến lên theo nhịp chân đi của quân đội. Dọc đường gặp trở lực thiên nhiên, cả nhóm người, vì lãnh tụ đã có chủ định và dưới áp lực của nòng súng, vẫn tiến tới để ngã lần vì kiệt sức và trở lực không vượt nổi. Cuối cùng, nhóm người, sau khi tiêu hao sinh lực, phải dừng lại đợi thượng lệnh thay đổi lộ trình. Lệnh xuống, mọi người lại vừa nhìn nòng súng, vừa hoan hô và tất cả lại lên đường theo một lộ trình mới, dẫn dắt đến một trở lực mới. Phong trào nhân dân công xã của Trung Cộng cũng thể hiện trường hợp trên đây.
Nhóm người của khối tự do sẽ thực hiện cuộc di chuyển một cách khác. Những người ngày tự chia làm những nhóm nhỏ. Mỗi nhóm không có người chỉ huy, nhưng có một người được nhóm giao cho trách nhiệm phối hợp các ý kiến chung về cuộc hành trình. Các người trách nhiệm lại hợp nhau, phối hợp hướng đi và tốc độ của các nhóm, để cho sự vận chuyển của toàn thể được điều hòa dưới sự trách nhiệm của một người mà phần đông đều đồng ý trao cho nhiệm vụ lãnh đạo. Theo lệnh của người này, tất cả đều lên đường, mỗi người tuy không thấu triệt, nhưng ý thức lý do hành động của cộng đồng và lộ trình trong hiện tại. Mặc dầu không có hoan hô rầm rộ, nhưng có sự cương quyết tiến tới và sự nhận thức các trở lực thiên nhiên đang đợi chờ. Dọc đường gặp trở lực thiên nhiên, nhờ không có một chủ định cứng rắn về lộ trình, tất cả đều ngừng lại và lấy kỹ thuật khoa học nhận định thực tế để tìm cách vượt qua. Nhờ vậy mà Tây phương đã tìm được giải pháp cho các vấn đề xã hội cuối thế kỷ 19.
Sau cùng, nhóm người Việt Nam, sẽ thực hiện cuộc hành trình như sau. Một người đứng lên, với sự ủng hộ của một vài người khác, giải thích sự cần thiết của cuộc di chuyển và đề nghị một lộ trình. Nhưng chung quanh, kẻ đứng người ngồi, có người lắng tai nghe, có người đang tính việc riêng, có người đang giải trí, có người đang làm việc. Nhìn chung, một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn. Lúc người chỉ huy ra lệnh, một số bước lên đường, nhưng tốc độ không đều, người mau, người chậm. Số còn lại ngồi ngơ ngác không biết phải làm gì. Đi một đỗi, số người đi trước phải trở lại tìm cách thuyết phục những người chưa quyết định. Dằng co, đi, ở không ngã ngũ. Thời giờ qua mà cuộc hành trình chưa bắt đầu, chỉ vì nhóm người của chúng ta chưa có tổ chức. Do đó, chúng ta bất lực khi cần phải thực hiện một công cuộc cần có sự góp phần của toàn thể cộng đồng.


Tác dụng của tổ chức quần chúng.
Sự thể đã như vậy, nếu chúng ta muốn thực hiện một công trình của tập thể, điều trước tiên, mà chúng ta phải làm, là tổ chức quần chúng của chúng ta.
Nhưng vấn đề quan hệ hơn nữa. Bởi vì nếu chúng ta không tổ chức quần chúng của chúng ta, cố nhiên chúng ta không thực hiện được những công cuộc mà chúng ta trù tính.
Nhưng tình thế không phải chỉ đến đó mà thôi, bởi vì, nếu chúng ta không dẫn dắt được đoàn người trên thực hiện cuộc hành trình dự tính, thì người khác sẽ đến tổ chức họ và dẫn dắt họ đi. Trong giai đoạn hiện tại của quốc gia, nếu chúng ta không tổ chức được quần chúng và giải quyết các vấn đề hiện tại của cộng đồng thì các nhà lãnh đạo Cộng Sản sẽ tổ chức quần chúng và giải quyết các vấn đề hiện tại của cộng đồng theo quan điểm Cộng Sản. Nhưng chúng ta đã biết giải pháp Cộng Sản sẽ di hại như thế nào cho dân tộc.
Trong thực tế, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, thừa hưởng sự nghiệp nghiên cứu của Cộng Sản quốc tế, đã ý thức sự kiện trên, nên từ lâu đã chú trọng rất nhiều đến việc tổ chức quần chúng. Và chính sức mạnh của họ lâu nay nằm ở chỗ kỹ thuật tổ chức quần chúng, của Cộng Sản Quốc Tế, được đặc biệt nghiên cứu và áp dụng. Và một khi đã tổ chức được quần chúng rồi thì họ lại nắm được trong tay một lợi khí sắc bén mà chúng ta chưa có.
Do đó, sự tổ chức quần chúng, đối với chúng ta là một yếu tố vô cùng cần thiết, chẳng những để thực hiện bất cứ công cuộc nào của cộng đồng, trong đó công cuộc phát triển là quan hệ nhất, mà đồng thời lại là một lợi khí để chặn đứng các sự phá hoại của du kích quân miền Bắc, đang hoạt động tại miền Nam.
Một lần nữa, chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng một bộ máy hành chính dù có tinh vi đến đâu, một mình cũng không đủ để giải quyết các vấn đề hiện tại của dân tộc. Bởi vì một bộ máy hành chính không, không có một máy tổ chức quần chúng, sẽ không huy động được toàn dân. Sở dĩ có quan niệm sai lầm về vai trò tự mãn của bộ máy hành chính là vì ký ức của thời kỳ Pháp thuộc còn rất mới. Và trong thời kỳ này, thật sự bộ máy hành chính của Pháp rất là hiệu quả. Nhưng lúc bấy giờ những mục tiêu của người Pháp không phải là những mục tiêu của chúng ta hiện nay. Hai điều này chúng ta đã thấy rõ ở một đoạn trên.
Sau hết, lý do quan hệ nhất để chứng minh tính cách thiết yếu của sự tổ chức quần chúng, chính là công cuộc Tây phương hóa mà chúng ta phải thực hiện cho kỳ được.
Trong một đoạn ở trên, chúng ta đã thấy rằng công cuộc Tây phương hóa phải toàn diện, nghĩa là phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống, và phải ăn sâu và lan rộng trong nhân dân. Nếu công cuộc Tây phương hóa chi giới hạn trong một nhóm người lãnh đạo, như trường hợp đã xảy ra cho một số quốc gia ở Cận Đông, thì sớm hay muộn quần chúng sẽ ly khai với nhóm người lãnh đạo và tình trạng xã hội sẽ chín mùi cho một cuộc cách mạng lật đổ những người lãnh đạo đã Tây phương hóa. Một công cuộc Tây phương hóa nếu muốn có kết quả mong mỏi thì phải ăn sâu và lan rộng trong nhân dân.
Một công cuộc Tây phương hóa ăn sâu và lan rộng trong nhân dân, có nghĩa là người chủ trương công cuộc Tây phương hóa phải làm thế nào để cho quần chúng, từ thành thị đến thôn quê, chấp nhận nhiều tập quán mới, theo một lối sống mới và hoạt động theo những tiêu chuẩn mới. Một công cuộc vĩ đại như vậy không thể do một bộ máy hành chính, dù có tinh vi đến đâu, nhưng chỉ một mình, thực hiện được Và một công cuộc vĩ đại như vậy, nếu không có sự tham gia thật sự của quần chúng, sẽ thất bại chắc chắn vì lực lượng thụ động của khối người đã quen sống theo những nề nếp, mà công cuộc Tây phương hóa đặt cho mình mục tiêu phải thay đổi.
Đã như thế thì, thực hiện công cuộc Tây phương hóa có nghĩa là trước hết phải hướng dẫn nhân dân ý thức tính cách cần thiết của công cuộc Tây phương hóa và làm thế nào để Tây phương hóa. Sau đó phải dẫn dắt nhân dân đến chỗ hợp tác, với các nhà lãnh đạo, để thực hiện những công tác cần thiết cho công cuộc Tây phương hóa.
Và những hoạt động có tính cách ăn sâu và lan rộng trong quần chúng như trên, không thể thực hiện được trong tình trạng vô tổ chức của nhân dân ngày nay, trong xã hội của chúng ta. Điều kiện thiết yếu và tiên quyết cho những hoạt động trên là sự tổ chức quần chúng. Và xuyên qua các tổ chức quần chúng đó, những hoạt động trên mới có thể nảy nở được và mới có thể đưa quần chúng đến sự hợp tác, trong công cuộc Tây phương hóa, với các nhà lãnh đạo.
Tóm lại, các đoạn trên đây, chúng ta nhận thức:
Trong tình trạng bình thường, các tổ chức quần chúng đã là một yếu tố thiết yếu cho đời sống của một quốc gia độc lập.
Trong một tình trạng quyết liệt như tình trạng hiện nay, của các quốc gia đang tìm phát triển như chúng ta, các tổ chức quần chúng là một yếu tố còn thiết yếu hơn nữa cho đời sống của quốc gia.
Trong hiện tại chính trị của miền Nam ngày nay, sự tổ chức quần chúng lại là một khí giới để chặn đứng các sự phá hoại của du kích quân miền Bắc. Nhưng quần chúng của chúng ta hiện nay hoàn toàn không có tổ chức. Chúng ta quen sống trong một tình trạng hỗn loạn mà chúng ta lầm là cho là một tình trạng tự do. Thật sự, trở lại vấn đề thăng bằng động tiến cần thiết cho mọi cộng đồng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi cộng đồng, xã hội của chúng ta ngày nay là một xã hội sắp mất thăng bằng nói trên, và chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh mà quyền lợi của cộng đồng bị hy sinh cho quyền lợi của cá nhân. Do đó, sự tổ chức quần chúng và các tổ chức quần chúng, đối với chúng ta, trở thành một yếu tố quyết định cho sự mất còn của cộng đồng.


Tổ chức quần chúng như thế nào
Dưới một chế độ độc tài Đảng trị, cũng như dưới một chế độ dân chủ Pháp trị, tổ chức quần chúng đều cần thiết vì những lý do mà chúng ta đã phân tích. Tuy nhiên, quan niệm tổ chức, mục đích của các tổ chức và hình thức của các tổ chức đều khác nhau dưới hai chế độ.
Phương pháp lãnh đạo của một chế độ độc tài Đảng trị là cưỡng bách dưới mọi hình thức và với mọi trình độ, với mục đích biến cá nhân thành những bộ phận dễ uốn nắn và dễ điều khiển của một bộ máy chung, mà tất cả giềng mối đều nằm trong tay nhóm người lãnh đạo. Vì vậy cho nên, ngoài những tác dụng của những tổ chức quần chúng mà chúng ta đã biết, tổ chức quần chúng của một chế độ độc tài Đảng trị còn có tác dụng uốn nắn cá nhân. Và vì vậy mà hình thức của các tổ chức quần chúng trong chế độ này được trù liệu để chặt đứt hết các dây liên hệ của cá nhân với cộng đồng, dù là các dây liên hệ gia đình, tôn giáo, văn hóa, kinh tế hay xã hội và thay vào bằng dây liên hệ duy nhất giữa cá nhân và Đảng nắm chính quyền.
Vì quan niệm đó mà các tổ chức quần chúng trong một chế độ độc tài Đảng trị đều là những tổ chức do chính quyền chủ trương, chính quyền điều khiển, chính quyền kiểm soát hoạt động và quản trị tài chính. Sự gia nhập vào tổ chức, cũng như sự tham gia vào hoạt động của tổ chức đều là cưỡng bách. Tính cách cưỡng bách, đương nhiên, sẽ tạo ra một sự tham gia lấy lệ của cá nhân. Lúc bấy giờ, thích nghi với nguyên tắc cưỡng bách, một sự khủng bố khéo léo hoặc công khai nhưng đúng mức, sẽ được thi hành để tích cực hóa sự tham gia của cá nhân đến một mức độ cần thiết cho sinh hoạt và sinh lực của tổ chức.
Phương pháp lãnh đạo của một chế độ Dân Chủ pháp trị là một phân định cưỡng bách pháp luật hòa hợp với trình độ tự giác của cá nhân về nhiệm vụ đối với cộng đồng. Tổ chức quần chúng của một chế độ Dân chủ Pháp trị, ngoài những tác dụng thông thường còn có tác dụng phát huy ý thức cộng đồng của cá nhân. Vì vậy cho nên, tổ chức quần chúng có một hình thức trù liệu để thêm dây liên hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong mọi lĩnh vực, gia đình, tôn giáo, văn hóa, kinh tế và xã hội.
Do đó, các tổ chức quần chúng, trong một chế độ Dân Chủ pháp trị, sẽ do sáng kiến tư nhân chủ trương, tổ chức, điều khiển sinh hoạt và quản trị tài chính, dưới sự kiểm soát của chính quyền. Sự gia nhập của cá nhân vào tổ chức hoàn toàn tự ý, hay nếu cần được khuyến khích bằng những đặc quyền, ngoài quyền công dân thông thường, dành cho nhân viên của một tổ chức quần chúng. Những cơ hội hoạt động để phát triển khả năng, tìm thấy ở các tổ chức quần chúng, cũng là một yếu tố khuyến khích sự gia nhập. Nhưng, dù trong trường hợp nào, sự gia nhập cũng hoàn toàn tự ý, và vì vậy sự tham gia vào sinh hoạt của tổ chức, đương nhiên, rất tích cực, sinh lực của tổ chức tự nhiên dồi dào.
Chúng ta đã loại trừ Chủ Nghĩa Cộng Sản, thì chúng ta cũng không thể chọn hình thức tổ chức quần chúng của chế độ độc tài Đảng trị, nếu không, thì lý do loại trừ Chủ Nghĩa Cộng Sản của chúng ta cũng không tồn tại.
Nhưng, giả sử chúng ta vượt qua quan điểm lý thuyết trên, và vì sự cám dỗ của phương pháp độc tài, chúng ta chọn hình thức tổ chức quần chúng của chế độ độc tài Đảng trị, thì theo một cơ thức giản dị, chúng ta sẽ đi đến một tình trạng không có lối ra. Nếu đã chọn hình thức tổ chức quần chúng của chế độ độc tài Đảng trị, thì chính quyền sẽ tổ chức, điều khiển và quản trị các tổ chức quần chúng. Lúc bấy giờ, vì một lý do dễ hiểu, sự gia nhập vào tổ chức cũng như sự tham gia vào hoạt động của các tổ chức sẽ không còn tự ý và tích cực nữa. Trong trường hợp đó, chính quyền tiến thoái lưỡng nan. Nếu giữ nguyên tình trạng thì các tổ chức quần chúng, vì thiếu sự tham gia tích cực của cá nhân, sẽ không có đủ sinh lực để có tác dụng mong mỏi. Nếu dùng biện pháp cưỡng bách để tích cực hóa sự tham gia của cá nhân, thì chính quyền, vì không phải là một chính quyền độc tài Đảng trị, sẽ không làm sao sử dụng được những biện pháp độc tài Đảng trị mà không tạo ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng cho chính thể. Vả lại, chính quyền cũng không có đủ những biện pháp cưỡng bách như trong một chế độ độc tài Đảng trị để khắc phục được tình thế.
Vì vậy cho nên, chúng ta không thể áp dụng một hình thức tổ chức quần chúng của chế độ độc tài Đảng trị. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp dụng hình thức tổ chức quần chúng, của chế độ Dân Chủ pháp trị nói trên đây, chúng ta sẽ phải gặp một trở lực, đặc biệt cho các quốc gia chậm tiến như quốc gia Việt Nam.
Trong hoàn cảnh xã hội của chúng ta hiện nay, ý thức tập thể của quần chúng rất yếu kém và kinh nghiệm tổ chức, điều khiên và quản trị các tổ chức quần chúng rất nghèo nàn.
Sự đóng góp tài chính của cá nhân, đương nhiên sẽ rất giới hạn. Vì vậy sáng kiến tổ chức quần chúng không thể hoàn toàn phát xuất từ trong nhân dân được. Chính quyền ngoài nhiệm vụ kiểm soát đương nhiên phải đảm trách nhiệm vụ hướng dẫn sự tổ chức, hướng dẫn sự đào tạo người điều khiển hoạt động, và quản trị tài chính cho tổ chức. Điều thiết yếu là nhiệm vụ hướng dẫn phải được minh định và không để cho nó sự lầm lẫn với vai trò trực tiếp tổ chức, trực tiếp điều khiển và quản trị của chính quyền như trong một chế độ độc tài Đảng trị.
Trong trường hợp mà chúng ta đã có sẵn những tổ chức quần chúng đã trưởng thành, và có nhiều cán bộ đã được trang bị với những kinh nghiệm chuyên môn, về vấn đề tổ chức quần chúng, thì chẳng những vai trò hướng dẫn của chính quyền sẽ không cần thiết, mà chúng ta nhờ cái vốn tổ chức quần chúng sẵn có, còn có thể tránh được những lỗi lầm mà một sự hướng dẫn, vô tình không đúng mức, có thể gây ra cho hệ thống tổ chức quần chúng của chúng ta.


Tổ chức quần chúng và tổ chức chính trị.
Thường thường hay có sự lầm lẫn giữa các tổ chức chính trị và các tổ chức quần chúng. Nhiều người, vô tình, tưởng các tổ chức quần chúng là tổ chức chính trị và nhìn thấy ảnh hưởng chính trị của các tổ chức quần chúng. Nhưng cũng có nhiều người, cố tình, gây sự lầm lẫn vì muốn lợi dụng ảnh hưởng chính trị của các tổ chức quần chúng để hậu thuẫn cho một vận động chính trị.
Riêng ở Việt Nam, sự ngộ nhận một tổ chức quần chúng ra một tổ chức chính trị, thường hay xảy ra vì một nguyên nhân lịch sử mà chúng ta đã có đề cập đến trong một đoạn trên. Sau hơn tám mươi năm bị loại ra ngoài vòng các vấn đề liên quan đến sự lãnh đạo quốc gia, một số đông người Việt Nam đã nối trở lại với các vấn đề lãnh đạo trong thời kỳ kháng Pháp. Nhưng lúc bấy giờ Cộng Sản chi phối tình thế, nên các biện pháp lãnh đạo được áp dụng lại được xem như là những sáng kiến độc quyền của Cộng Sản, hay là những biện pháp chính trị mà chế độ nào cũng phải áp dụng. Và trong chế độ độc tài Đảng trị của Cộng Sản, các tổ chức quần chúng, là những công cụ chính trị của chế độ. Vì những lý do trên, mà nhiều người vẫn tin rằng, trong mọi chế độ, tổ chức quần chúng là tổ chức chính trị.
Ngoài ra, trong những quốc gia, như quốc gia Việt Nam hiện nay, đang bị nạn đột nhập xâm lăng của Cộng Sản, thì các tổ chức quần chúng lại bị Cộng Sản dùng làm bình phong để che đậy những hoạt động chính trị bí mật. Hoặc Cộng Sản lợi dụng các tổ chức quần chúng như là một lực lượng chính trị áp đảo chính quyền quốc gia.
Các sự kiện trên tạo một hoàn cảnh thuận lợi để cho sự lầm lẫn dễ xảy ra giữa các tổ chức chính trị và tổ chức quần chúng. Tuy nhiên, nguyên do chính của sự lầm lẫn vẫn là ảnh hưởng chính trị của các tổ chức quần chúng.
Chính trường của một cộng đồng quốc gia là trường hoạt động chung của tất cả các phần tử của cộng đồng. Vì vậy cho nên, trên nguyên tắc, mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng đến chính sự của cộng đồng. Tuy nhiên ảnh hưởng chính trị của cá nhân rất giới hạn, trừ ra trường hợp hoặc cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong bộ máy quốc gia, hoặc nhiều cá nhân tập hợp lại thành một khối có một lực lượng đáng kể.
Nguồn gốc của ảnh hưởng chính trị của các tổ chức quần chúng là sự kiện trên đây.
Nhưng điều cần thiết cho chúng ta là phải nhận thức rằng, trong một chế độ Dân Chủ pháp trị, sự khác nhau, giữa hai tổ chức chính trị và tổ chức quần chúng rất rõ ràng, về mục đích cũng như hình thức tổ chức và phương pháp hoạt động.
Một tổ chức chính trị gồm những người cùng tin tưởng vào một đường lối chính trị, nghĩa là một toàn bộ giải pháp đối với các vấn đề của cộng đồng quốc gia, trong mọi lĩnh vực của đời sống. Mục đích tranh đấu của một tổ chức chính trị, nghĩa là của một chính đảng, là nắm chính quyền để mang các giải pháp mà chính đảng chủ trương áp dụng vào các vấn đề của cộng đồng. Trong chế độ Dân Chủ pháp trị, các tổ chức chính trị hoạt động công khai và là một bộ phận của bộ máy lãnh đạo. Tổ chức chính trị có một hệ thống tổ chức địa dư như một hệ thống hành chánh.
Một tổ chức quần chúng gồm những người cùng làm một nghề, hoặc cùng có những quyền lợi kinh tế tương đồng, hoặc cùng theo đuổi một mục đích tôn giáo, hay một công cuộc xã hội, văn hóa, đức dục hay thể dục. Mục đích của các tổ chức quần chúng là bảo vệ quyền lợi chuyên nghiệp, kinh tế, văn hóa hay xã hội của các nhân viên của tổ chức, hoặc bảo vệ một tín ngưỡng, hoặc phát triển một công cuộc xã hội hay văn hóa. Hoạt động của các tổ chức quần chúng do mục đích ấn định và không có lúc nào trực tiếp đi vào lĩnh vực chính trị, nghĩa là vào lĩnh vực của bộ máy lãnh đạo. Ảnh hưởng chính trị của một tổ chức quần chúng sẽ giới hạn trong việc ủng hộ hay không ủng hộ một đường lối chính trị, khi cơ hội đưa đến, ví dụ trong một chiến dịch tuyển cử, vì đường lối đó có lợi hay không có lợi cho mục đích riêng của tổ chức quần chúng.
Vì những sự kiện vừa phân tích trên đây mà trong một chế độ Dân Chủ pháp trị, sự lầm lẫn giữa hai tổ chức chính trị và tổ chức quần chúng, sẽ mang đến nhiều hậu quả bất lợi cho cộng đồng. Trước hết sự lầm lẫn sẽ mang đến một sự hỗn loạn trong tổ chức của bộ máy quốc gia và gây một hoàn cảnh thuận lợi cho sự đột nhập của Cộng Sản. Nếu chúng ta tôn trọng các tiêu chuẩn phân biệt tổ chức chính trị và tổ chức quần chúng, thì các tổ chức quần chúng nào, lấy quần chúng của mình để hậu thuẫn cho một vận động chính trị, đương nhiên sẽ là một tổ chức quần chúng đã bị sự đột nhập của Cộng Sản. Kinh nghiệm chỉ rằng sự kiện trên đây rất chính xác.
Ngoài ra, sự cố tình lầm lẫn giữa một tổ chức quần chúng và một tổ chức chính trị vì một nguyên nhân chính trị, sẽ mang đến cho tổ chức quần chúng một cuộc khủng hoảng nội bộ trầm trọng, vì mục đích của tổ chức đã bị xâm phạm. Cuộc khủng hoảng có thể mang đến sự tan rã của tổ chức.


Các tổ chức quần chúng công nhân và nông dân
Trong xã hội của chúng ta ngày nay, sự phân chia dân số theo ngành hoạt động kinh tế, ấn định hai loại tổ chức quần chúng quan trọng hơn hết về số lượng. Loại thứ nhất gồm các tổ chức quần chúng công nhân trong các xí nghiệp kỹ nghệ hay canh nông và thương mãi, nghĩa là các nghiệp đoàn. Loại thứ hai gồm các tổ chức nông dân, như chúng ta sẽ thấy trong một đoạn sau, thích hợp nhất trong hoàn cảnh hiện nay ở thôn quê là hình thức hợp tác xã nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi kinh tế của người nông dân. Hai loại tổ chức quần chúng trên đây thâu gồm đến chín mươi phần trăm dân số hoạt động, và vì những liên hệ gia đình, sẽ ảnh hưởng đến chín mươi phần trăm dân số toàn quốc. Xét các bách phân dân số trên đây, chúng ta nhận thức vai trò quan trọng của các tổ chức nghiệp đoàn, và các tổ chức hợp tác xã nông nghiệp, trong đời sống quốc gia. Vì vậy cho nên, các nỗ lực tổ chức quần chúng của chúng ta phải tập trung về hai lĩnh vực nghiệp đoàn và hợp tác xã nông nghiệp.
Hợp tác xã nông nghiệp lại gồm từ bảy đến tám mươi phần trăm dân số. Nghiệp đoàn từ mười đến mười lăm phần trăm. Bộ máy quần chúng của chúng ta gần như là bộ máy hợp tác xã nông nghiệp. Nông thôn đóng một vai trò quyết định trong công cuộc tổ chức quần chúng và trong các công cuộc khác của quốc gia, bởi vì như chúng ta đã thấy, tổ chức quần chúng là một lợi khí để chúng ta thực hiện các công cuộc dự tính của cộng đồng.
Thành phần dân số còn lại ở các đô thị, tuy nhẹ về số lượng, nhưng lại vô cùng quan trọng về phẩm chất và tính của chất hoạt động của họ, bởi vì trong số này gồm tất cả những phần tử của các bộ phận khác của bộ máy quốc gia: Các bộ máy lãnh đạo, hành chánh và quân sự, và các cơ cấu điều khiển của những khu vực kỹ nghệ và thương mãi công cộng và tư nhân.
Số người này, ngoài các tổ chức đương nhiên của ngành hoạt động của họ, có thể tham gia vào nhiều loại tổ chức quần chúng mà mục đích là bảo vệ tín ngưỡng, quyền lợi nghề nghiệp hay kinh tế, hay theo đuổi một công cuộc văn hóa, xã hội hoặc đức dục hay thể dục hay du lịch. Đời sống của quốc gia ở các đô thị và ở thủ đô càng phức tạp và càng phong phú, thì các tổ chức quần chúng cũng phải được thích nghi hóa với hoàn cảnh và gồm nhiều loại.
Ở nông thôn, đời sống của nhân dân giản dị hơn và hình thức sống kém trù mật hơn. Do đó tổ chức quần chúng có thể chỉ là những hợp tác xã nông nghiệp với một hình thức rất là sơ đẳng, dễ điều khiển và dễ sinh hoạt.
Ở trên các tổ chức nghiệp đoàn và các tổ chức hợp tác xã một bậc, về tính cách tinh vi của tổ chức và kỹ thuật chuyên môn khá cao, mà sự điều khiển các tổ chức này sẽ đòi hỏi, có các tổ chức hỗ tương bảo hiểm. Bảo hiểm về bệnh hoạn, bảo hiểm về tai nạn lao động, bảo hiểm về trâu bò, bảo hiểm về sinh sản và về già cả. Tất cả các tổ chức tương hỗ bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ trên nhiều phương diện và bằng nhiều hình thức quyền lợi cá nhân của các phần tử của tập thể, đồng thời phát huy tinh thần tập thể của cá nhân.


Giáo dục quần chúng.
Ngoài những tác dụng đương nhiên của các tổ chức quần chúng mà chúng ta đã biết, bộ máy tổ chức quần chúng của quốc gia, còn đóng góp một phần rất quan trọng vào các chương trình giáo dục quần chúng. Các chương trình giáo dục quần chúng khác biệt và không thay thế các chương trình thông thường giáo dục tổng quát mà chúng ta sẽ đề cập đến trong một đoạn sau này.
Các chương trình giáo dục quần chúng là những khí cụ cần thiết và hữu hiệu để hậu thuẫn cho công cuộc Tây phương hóa ăn sâu và lan rộng trong dân chúng, như chúng ta đã biết. Các mục tiêu vừa có tính cách ngắn hạn đối với những kỹ thuật sản xuất Tây phương, vừa có tính cách dài hạn đối với những tập quán mới cần phải trang bị dân chúng trong công cuộc Tây phương hóa toàn diện. Các tổ chức quần chúng còn là những hoạt động trường để huấn luyện tinh thần tập thể của nhân dân, và ý chí tự do và độc lập mà dân tộc đòi hỏi trước sự đe dọa xâm lăng liên tục của Trung Hoa.
Trong những mục tiêu ngắn hạn, có những chương trình phổ biến các kỹ thuật sản xuất của Tây phương và chương trình đào tạo tinh thần kỷ luật mà các phương tiện sản xuất kỹ nghệ đòi hỏi.
Công cuộc phổ biến những kỹ thuật sản xuất của Tây phương liên hệ trước hết đến nông nghiệp và tiểu công nghiệp. Các hợp tác xã sơ đẳng và các nghiệp đoàn tiểu công nghiệp đóng một vai trò chính yếu trong việc phổ biến này.
Lâu nay người dân Việt Nam chỉ quen với lề lối sản xuất của một nền kinh tế nông nghiệp. Công việc đồng áng không đòi hỏi ở người nông dân một kỷ luật cứng rắn về thời gian và một sự căng thẳng về tinh thần, như khi một người công nhân một xí nghiệp chịu trách nhiệm về một bộ phận của một xưởng máy kỹ nghệ to tát. Công việc đồng áng của chúng ta, cho phép, ít nhiều một sự luộm thuộm trong công tác và một sự lờ mờ trong sự phân chia công tác. Tính cách thiếu phân minh và thiếu trật tự của lối sản xuất nông nghiệp của chúng ta, trải qua nhiều thế hệ, đã tạo cho người nông dân chúng ta một tập quán bừa bãi trong công việc và sự mù mờ trong sự hiểu biết.
Lối sản xuất kỹ nghệ, trái lại không dung nạp sự bừa bãi trong công việc, và sự mù mờ trong sự hiểu biết. Sản xuất kỹ nghệ chỉ có thể thực hiện được một cách hiệu quả trong trật tự, trong phân minh. Ngoài ra, việc săn sóc và tu bổ các máy móc, nghĩa là các phương tiện sản xuất kỹ nghệ, đòi hỏi ở người sử dụng, những nỗ lực liên tục hàng ngày. Các cố gắng đó là những nguyên nhân đưa đến một tình trạng căng thẳng tinh thần mà đời sống lâu nay ở thôn quê, trong một hoàn cảnh kinh tế hoàn toàn nông nghiệp chưa hề biết đến.
Vì thế cho nên, khi một người nông dân, từ biệt ruộng đất của mình để trở thành một công nhân xí nghiệp, hành vi nhỏ nhặt đó không phải chỉ có nghĩa là đổi công việc mưu sinh. Thực ra hành vi đó còn có nghĩa là người nông dân từ bỏ một lối sống dễ dãi và vô trật tự theo nhịp khoan thai của thời tiết để đi vào một lối sống kỷ luật và ngăn nắp theo nhịp thúc đẩy của máy móc. Nghĩa là người nông dân sẽ phải làm quen và chấp nhận một sự căng thẳng về tinh thần mà lâu nay họ chưa hề biết đến. Và lần lần chính tâm lý của nông dân cũng sẽ thay đổi, cũng như lối nhìn đời sống của họ.
Một sự biến đổi tương tự, đương nhiên không thể là một việc dễ. Không bao giờ, dù mà sinh kế có bắt buộc họ trở thành một công nhân xí nghiệp, một người nông dân, tự họ có thể thực hiện được sự tự biến đổi nếu không có những sự hướng dẫn và giúp đỡ hữu hiệu bên ngoài. Nhưng lâu nay, trong sự biến đổi này, người nông dân không hề được hướng dẫn và giúp đỡ. Sự biến đổi này cũng mang tính cách hỗn loạn chung của công cuộc Tây phương hóa, không đường hướng của xã hội chúng ta dưới thời Pháp thuộc.
Nhiệm vụ hướng dẫn và giúp đỡ nói trên đây một phần lớn là nhiệm vụ của nghiệp đoàn công nhân và một phần nhỏ là nhiệm vụ của các xí nghiệp. Nhưng lâu nay các xí nghiệp hoặc do người ngoại quốc điều khiển, hoặc được tổ chức trên căn bản quyền lợi cá nhân, cho nên không bao giờ quan tâm đến vấn đề biến đổi những nông dân thành người công nhân trong khuôn khổ một công cuộc Tây phương hóa toàn diện.
Nghiệp đoàn của chúng ta, cũng như của các quốc gia đang phát triển, đều chưa hoàn toàn cởi bỏ được cái áo Tây phương, nên cũng chưa chú trọng đúng mức đến sự biến đổi của người nông dân nói trên đây. Nguyên nhân của tình trạng đó như sau:


Nghiệp đoàn Tây phương.
Nguồn gốc của các nghiệp đoàn Tây phương theo các nhà xã hội học, là các phường nghề nghiệp xưa kia gồm những người cũng hành một nghề, vừa chủ nhân vừa công nhân. Nhưng nghiệp đoàn công nhân, dưới hình thức hiện tại ở Tây phương, mới được quan niệm rõ rệt và phát triển đến mức trưởng thành từ sau cuộc cách mạng kỹ nghệ của các quốc gia Tây phương. Và ngày nay, tổ chức nghiệp đoàn là một yếu tố quân bình quan trọng trong bộ máy quốc gia.
Sau khi các phương tiện sản xuất kỹ nghệ được phát minh và thâu nhận vào xã hội Tây phương, như chúng ta đã phân tích trong một đoạn trên, các lực lượng sản xuất mới đã tạo ra nhiều xáo trộn xã hội, làm lung lay đến nền tảng các cơ cấu quốc gia của các nước đã kỹ nghệ hóa. Các cơ cấu xã hội cũ, tổ chức trên căn bản kinh tế thủ công nghệ và nông nghiệp, hoàn toàn bất lực trong công việc thâu nhận những lực lượng sản xuất kỹ nghệ. Các trạng thái thăng bằng của xã hội bị áp đảo đến cực độ.
Nhân đó, thuyết Cộng Sản được đề nghị như là một phương thuốc để trị các cơn khủng hoảng. Chúng ta đã thấy, trong hoàn cảnh nào, các nhà lãnh đạo Tây phương, vì lý do gì, đã từ chối giải pháp Cộng Sản. Và ngày nay chúng ta đang mục kích sự thành công của Tây phương trong công cuộc chẳng những bài trừ các cơn khủng hoảng của xã hội mà lại còn đặt những căn bản thiết thực để bảo đảm cho sự phát triển của toàn thể cộng đồng bằng cách sử dụng những phương tiện kỹ thuật ngày càng tinh vi.
Các tổ chức nghiệp đoàn công nhân đóng góp một phần quan trọng trong sự thành công nói trên.
Nguyên do chính của các xáo trộn xã hội trong các quốc gia Tây phương lúc vừa xảy ra cuộc cách mạng kỹ nghệ, là sự kiện trạng thái thăng bằng động tiến, giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi cộng đồng bị áp đảo đến cực độ, vì sự bành trướng khác thường của quyền lợi cá nhân. Sự thiếu kinh nghiệm, đương nhiên, đối với những hậu quả xã hội của những phát minh mới, và tổ chức của xã hội lúc bấy giờ, căn cứ trên một nền kinh tế thủ công nghiệp và nông nghiệp, đã cho phép sự thâu gồm vào tay một thiểu số những phương tiện sản xuất cực kỳ hùng hậu. Ý thức cộng đồng của thiểu số nắm trong tay các lực lượng sản xuất mới, lại không phát triển đồng thời với khả năng hùng hậu của kỹ thuật mới phát minh.
Tổ chức xã hội cũ hoàn toàn bất lực trong công việc phân phối tài sản quốc gia một cách công bình. Tài sản quốc gia có tăng, nhờ các lực lượng sản xuất mới, mà mức sống phần đông lại giảm,vì sự phân phối thất bại.
Vì các lý do trên đây, tác dụng nguyên khởi của các nghiệp đoàn công nhân là góp một phần hữu hiệu vào công việc đặt căn bản mới cho sự phân phối tài sản quốc gia. Vì vậy cho nên, trọng tâm hoạt động của các nghiệp đoàn công nhân Tây phương, lúc đầu, là yêu sách về quyền lợi của đoàn viên, để bảo đảm cho công nhân một bách phân xứng đáng trong sự phân chia lợi tức quốc gia. Tuy nhiên, những biện pháp yêu sách vẫn chưa có tác dụng quyết định và lâu dài, để bảo đảm cho trạng thái thăng bằng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi cộng đồng.
Các tổ chức nghiệp đoàn công nhân đã nghiễm nhiên tù một vai trò phản đối và yêu sách, trở thành một yếu tố quân bình quan trọng trong bộ máy quốc gia. Và lịch sử của tổ chức nghiệp đoàn công nhân Tây phương, minh tả sự biến hình của một hình thức xã hội mới, có khả năng thâu nhận những lực lượng sản xuất kỹ nghệ, duy trì trạng thái thăng bằng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi cộng đồng, và nhất là đặt những căn bản thiết thực, bảo đảm cho sự sử dụng những phương tiện kỹ thuật càng ngày càng tinh vi để phát triển cộng đồng nhân loại và phát triển con người.
Đồng thời, các hoạt động của nghiệp đoàn công nhân Tây phương cũng tăng gia và biến chất. Thêm vào các hoạt động yêu sách, càng ngày các hoạt động giáo dục và huấn luyện đoàn viên càng được bành trướng và trở thành hoạt động chính yếu của các nghiệp đoàn công nhân Tây phương.
Phạm vi huấn luyện và giáo dục, đi từ các kỹ thuật tổ chức chuyên môn của nghề nghiệp đến các kỹ thuật tổ chức và điều khiển nghiệp đoàn và đến vị trí và nhiệm vụ của nghiệp đoàn, xem như là một yếu tố quân bình của bộ máy quốc gia.

Kỳ Trước | Kỳ Sau

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên