1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29

Bùi Ngọc Tấn
Không cần hắn nói, chỉ nhìn qua, già cũng biết hắn sống chẳng dễ chịu gì. Già uống nước và kéo ghế nhích lại gần hắn, nói với hắn bằng một giọng rụt rè ấp úng:
- Tôi định nói với cụ một việc..
Già ngừng lời, ngồi thẳng người lên và nhìn xuống bàn đăm chiêu. Không biết có việc gì mà đắn đo, ngần ngại như vậy. Nhưng hẳn là việc hệ trọng.
Rất hệ trọng. Già nhìn quanh căn buồng một lúc, mặc cho hắn giục. Già rào đón:
- Thế này. Tôi cứ nói, nếu không được thì thôi, cụ đừng ngại gì.
- Nhưng mà có chuyện gì hở cụ?
Khuôn mặt già đau khổ. Rõ ràng số phận già tuỳ thuộc vào việc này, tuỳ thuộc vào câu trả lời của hắn. Già cũng rất khổ tâm vì già đã cùng đường rồi. Thực lòng già không muốn thế. Hắn đọc trên nét mặt già những điều ấy. Và cũng không hiểu hắn thì có thể giúp gì cho già.
- Tôi muốn nói với cụ, tất nhiên là không phải một mình cụ quyết định mà cả cụ bà nữa (ý già muốn nói tới Ngọc). Tạm thời thôi. Vì tôi chưa thu xếp đừợc. ở ga này không như ga Hàng Cỏ. Ga Hàng Cỏ ngủ được. Còn ở đây người ta đuổi.
Chuyện ấy già đã nói rồi, nhưng nghe nhắc lại hắn lờ mờ hiểu được điều già định nói.
- Với lại rồi cũng phải đi kiếm ăn. Chẳng lẽ đi đâu cũng mang cái túi này.
Già lấy hết cam đảm nhìn thẳng vào mặt hắn:
- Cụ bàn với cụ bà xem có cho tôi ngủ nhờ được không. Tôi biết các cụ cũng chật chội khó khăn... Tôi chỉ về ngủ buổi tối thôi. Còn ăn, tôi tự lo.
Hắn nhìn vào mắt già. Không thể nào từ chối được vẻ mặt ấy, đôi mắt ấy. Dù là chật chội. Chật chội đã đành, nhưng còn phiền phức, phiền phức trong sinh hoạt gia đình, đã hẳn. Lại còn chung quanh, toàn những người ghê gớm, nhưng người coi sự bất hạnh của mình là hạnh phúc của họ. Và sau cùng, còn chính quyền, còn công an. Hắn chẳng có tội gì mà còn bị công an bắt, bị chính quyền coi là một phần tử nguy hiểm cho cách mạng. Chính quyền sẽ nhìn nhận thế nào nếu hắn, một tù chính trị lại đi chứa chấp một tù chính trị khác. Chắc chắn họ nhận định về hắn: Nếu trước đây nó không phản động thì bây giờ nó phản dộng. Cũng như hắn biết chuyện một người có gia đình bị xử lý oan trong cải cách ruộng đất giờ đây không được đề bạt vì “trước đây bố nó bị bắn oan trong cải cách, nó thâm thù cách mạng...” Già Đô cũng hiểu tất cả những điều ấy trong vẻ mặt hắn. Già gần như nói một mình:
- Tôi bí quá. Nếu cụ giúp được thì tôi cũng chỉ dám nhờ một thời gian ngắn thôi. Hắn rầu rầu:
- Vâng. Kể ra thì hơi chật chội, nhưng cụ cứ về tạm đây. Nhà tôi chắc cũng không có vấn đề gì đâu. Để tôi nói thêm. Chiều nay cụ cứ ở lại đây ăn cơm.
Lâu lắm anh em mình không ăn với nhau rồi. Hắn đỡ thằng Dương đã gục xuống gối bố, ngủ lăn, ngủ lóc, bế nó ra giường. Và bảo già xuống nhà rửa mạt mũi chân tay. Lại những cặp mắt tò mò của những người trong xóm nhìn già. Mà sao không nhìn cho được. Già còn lạ hơn ông già Vitali trong “Không gia đình” lúc khổ cực cơ hắn nhất. Hai người nói chuyện và đi thổi cơm. Trước khi đi làm Ngọc đã dặn nấu những món gì.
Ngọc tiếp đãi những bạn tù của chồng mình một cách đầy cảm thông và quý mến. Không ai có thể gợn một chút mặc cảm về hoàn cảnh của mình, khi nói chuyện với nàng. Nàng nhận lời ngay về việc già Đô ngủ lại ở nhà nàng. Nàng cư xử đúng như một người có đạo, dù Giatô giáo, Phật giáo hay đạo lý của những người cộng sản: Hãy thương yêu con người. ăn ở sao để đức lại cho con. Phúc đức tại mẫu. Cách cư xử của nàng với mọi người khiến hắn kính phục, học tập. ít nghĩ đến bản thân mình, rộng lượng, không có việc gì giúp đỡ được người khác mà lại không làm.
Hắn hiểu rằng cô nữ sinh kháng chiến ngày nào trong nàng chết hẳn rồi. Hắn chết. Cái chết của hắn kéo theo cái chết của cô nữ sinh ấy. Nhưng hắn chưa chịu chết. Hắn còn phải cựa quậy. Còn phải kiện. Phải kêu oan. Còn phải sống. Và còn phải viết nữa. Hắn phải viết vì đó là lý do hắn có mặt trên cuộc đời nay. Hắn phải viết về những gì hắn đã quý, đã yêu, đã sống, đã căm thù. Phải lồng vào khung kính những ngày rực nắng của tuổi ấu thơ. Cái tuổi mình đã biết có mình trên cuộc đời này để bây giờ nhớ lại mà buốt lòng. Phải đóng đinh lên trang giấy những kẻ sát nhân Bắt chúng đứng ngàn năm trên giá nhục hình. Mà mỗi lời thơ, sôi sục lòng anh, là một sợi dây treo cổ”.
Nghĩ vậy thôi chứ biết đến bao giờ. Khi biết bao chính sách không được cuộc sống chấp nhận “cứ trượt đi” như cách nói của Bình.
Những điều ấy hắn không dám nói với ai. Ngoài Bình. Bình bảo: “Trật tự xã hội này có cả phần của chúng mình xây dựng. Chúng ta đã một thời tự hào về nó. Bây giờ tao cố gắng bào chữa cho nó, nhưng không nổi. Chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm một phần”.
Biết tin già Đô đến ngủ ở nhà hắn, Bình đã cố tình gặp già, nhưng không được. Bình chỉ nhìn đóng nội vụ của già như nhìn những gì cỏn đó của một cuộc đời oan khuất. Bình không gặp già vì già về rất muộn. Tắt đài một lúc mới thấy già về. Già đi lên thang gác khẽ như một con mèo. Những bước chân mịn như nhung. Già khẽ xoay nắm đấm cửa. Không một tiếng động, cánh cửa nhẹ nhàng he hé, già rón rén bước vào, tay cầm cái túi xách giả da cũ mà Ngọc đã cho già. Trong ấy có một cái cặp lồng, cái ca con, quai túi buộc cái khàn mặt cũng của Ngọc đưa. Lúc ấy màn đã mắc. Nhưng ở cái bàn kê ngay nơi cửa bước vào chỗ hắn đã tiếp ông Hoàng - ngọn đèn có khoanh mảnh giấy vỏ bao phân đạm vẫn sáng. Lúc ấy có thể thằng Hiệp vẫn còn học bài. Có thể hắn vừa quấn xong thuốc lá. Ngọc đang thu dọn, hắn ngồi uống nước, chờ già. Hắn rót nước mời già. Chén nước nóng. Khi trà mới pha. Khi thì đã nhạt. Già đỡ chén, xách túi đi thẳng vào góc nhà. ở đó cái chiếu một đã trải. Tận phía trong cùng là cái chăn bông vải vụn gấp vuông vắn. Già uống chén nước nóng. Sụp. Soạp. Rõ ràng chén nước làm già thích thú. Nhưng già chỉ uống một chén. Già rón rén di ra bàn, đặt chén vào khay và lùi về chỗ già trùm chăn nằm ngủ.
Cũng có hôm cả nhà đã nằm, hắn dể ngọn đèn dầu vặn nhỏ. Già lặng lẽ đi đến chỗ của già, không có chén nước nóng, nhưng căn buồng đóng kín, ấm sực hơi người làm già dễ chịu. Già nằm im lặng. Hẳn già vẫn cô đơn chiến đấu với đêm dài. Già vẫn thức. Bởi vì khi ngủ, già rên. Nên khi già im lặng, hắn biết già thức. Hắn rất muốn biết già làm gì, ăn uống ra sao, có no không. Nhưng già không để cho hắn hỏi. Cứ về đến nhà là già mau chóng bước vào góc ấy và trùm chăn. Sáng hôm sau khi cả nhà tỉnh dậy, già đã đi rồi. Chăn đã gấp, chiếu đã cuộn ấp lên cái chăn. Giống cách xếp nội vụ trong trại. Già đi từ lúc còn tối đất. Già mở cửa rất khẽ, xách túi, xuống thang nhẹ như một con mèo. Già ra đường. Gió thốc lạnh buốt. Nhưng già đã có cái áo bông to lắm. Già thụt người trong áo. Già mở vòi nước công cộng, súc miệng, rửa mặt. Buộc khăn vào quai túi. Và đi. Như một người đang theo đuổi mục một đích lớn lao, một người đang có một công việc phải chịu vất vả, phải gấp lên mới kịp.
Cái chu trình ấy hình như không thay đổi. Hắn phát hiện ra sau hai lần lạng lẽ dậy theo già. Cho đến khi thấy già lững thững đi về phía trung tâm thành phố hắn mới quay lại. Gần như không ai trong số nhà này biết hắn chứa chấp một người như già. Tắt đài già mới về. Già đi lâu rồi cái loa công cộng ở Ngã Bảy mới nổi nhạc thể dục buổi sáng. Cũng may lại là mùa đông. Người ta ngủ sớm và người ta dậy muộn.
Một hôm, già Đô đi được lâu lâu, trời đã rạng, hắn nghe có tiếng gõ cửa. Chả lẽ lại là già Đô quay về Hắn mở cửa và không tin ở mắt mình: ông Hoàng. Gọn gàng trong bộ quần áo thun có sọc ở tay và ống chân mà bây giờ người ta gọi là “xét-tô măng” trông ông thon thả, uyển chuyển và trẻ hẳn ra. (Năm ấy ông mới ngoài năm mươi tuổi. Thế mà hắn cứ nghĩ ông đã già lắm rồi).
Hắn lúng túng vì những cái màn cũ rách, màu nước dưa rủ trên giường dưới sàn. Ông cười:
- Phê bình nhé. Dậy muộn. Dậy muộn.
Cả nhà nháo nhào trở dậy. Ông hỏi hắn gịong nghiêm túc:
- Sao thành phố bây giờ không thấy ai tập thể dục buổi sáng là thế nào nhỉ? Đã có một thời phong trào tập thể dục theo đài buổi sáng phát triển khá rộng rãi. Đến phố nào cũng có một số người tập. Nhưng bây giờ cái loa công cộng có vang lên nhịp điệu quen thuộc ấy thì cũng chỉ để cho chính nó mà thôi. Sau đó sẽ là chương trình giới thiệu giọng hát mới ở địa phương. Ngoại trừ một vài giọng hát tàm tạm, toàn bộ những giọng đơn ca nam nữ cùng với dàn nhạc đệm đều là sự tra tấn lỗ tai mọi người. Sự tra tấn kéo dài ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác. Có những lần chị Diệu về ngủ ở nhà hắn, chị nghe và bảo “Sao kêu đường sớm thế, chú?”
Lúc ông Hoàng đến nhà hắn là lúc đang “kêu đường”. Ông Hoàng lắng nghe:
- Ca sĩ nào chán thế mà cũng phát.
Sau khi nghe hắn nói về những ca sĩ lượm lặt ở các xí nghiệp, công ty, cửa hàng, chương trình này mở đầu một ngày mới cho mọi người, ông Hoàng lắc đầu:
- Tập luyện thì cứ tập luyện, nhưng không nên làm khổ tai mọi người. Cũng chẳng phải thế mới là đề cao văn nghệ quần chúng, đề cao văn nghệ nhân dân.
Trong buồng, mấy mẹ con gấp chăn màn, dọn dẹp với một tốc độ phi thường. Nhưng ông bảo hắn:
- Thôi, cứ đứng ngoài hành lang này nói chuyẹn. Hắn biết có một hội nghị gì đó ở thành phố, ông Hoàng về dự. Như vậy là ông đã gặp ông K, ông Trần.
- Tôi có gặp các anh ở đây. Việc của anh phải làm từng bước.
Thế nghĩa là ông đã vấp phải một vật cản. Cản được ông phải là một vật cản ghê gớm. Ông phải chịu lùi một bước. Nghĩa là ông K, ông Trần đoàn kết chặt chẽ chống lại ông.
Hắn hơi bị hẫng. Một thoáng thất vọng. Dù vẫn nghĩ rằng công việc chẳng dễ dàng. Ông K, ông Trần chẳng dễ dàng lùi bước. Đó là những người giờ đây lừng lững như những cây đại thụ, chỉ sông, sông cạn, chỉ núi, núi tan. Thân phận hắn chỉ là bèo bọt. Hắn chỉ biết “vâng” để đáp lại. Với những người như ông Hoàng không cần phải nói nhiều. Ông nhìn tháu lòng mình. Ông vẫn còn đau nỗi đau của người khác. ôi! Giá như ông vẫn còn làm bí thư thành uỷ kiêm chủ tịch ở đây. Việc của hắn thật dễ ợt. Ông Trần trước đây không dám vào gặp ông Hoàng, cứ đứng nép ngoài cửa...
- Tôi nghĩ phải giải quyết việc làm cho anh trước đã.
Ông trao đổi ngay ở hành lang dự định của ông: Xếp hắn về một xí nghiệp nào đó ở trong ngành mà ông thấy hắn có thể phát huy tác dụng. Rồi ông xuống thang. Hắn tiễn ông ra tận đường, nhìn mãi theo ông chạy dưới hàng phượng vĩ mùa này rụng hết lá. Hai bàn tay xoắn xoắn vào nhau ngang ngực.
Những bước chân hất lên. Toàn người ông một màu xanh lá cây của bộ xét-tô măng có những sọc trắng. Và đôi giày vải trắng. Ông chạy về nhà khách thành uỷ. Ông tiếp tục việc tập thể dục buổi sáng. Thật là một người có trách nhiệm với con người, tự nguyện mang những nỗi đau khổ của người khác.
Hôm sau, phó tiến sĩ Huỳnh lại ghé nhà hắn. Một mình phó tiến sĩ đi trên chiếc xe Vonga đen:
- Anh Hoàng mời anh ăn cơm trưa. 11 giờ 30 tại khách sạn Hùng Vương.
Hắn hỏi Bình về khách sạn ấy. Phố Hùng Vương những ba bốn khách sạn. Đoán mãi nơi ông Hoàng hẹn. Và đoán không nhầm. Hắn đến khách sạn dùng làm nhà ăn cho khách của thành uỷ.
Hai người ngồi một bàn. Bao nhiêu người nhìn hắn đối diện với ông. Ông Hoàng là một bí thư đã để lại trong lòng các cán bộ thành phố niềm quý mến, lưu luyến, sự kính trọng mà sau này nhiều bí thư khác không có được một phần. Có lẽ vừa do tài năng, vừa do đức độ của ông. Mọi người dồn mắt nhìn ông và nhìn hắn. Có nhiều người biết hắn. Và hắn ao ước: Giá ông Lan, ông Quảng, ông Trần trông thấy cảnh này.
Viên giám đốc khách sạn đến lễ phép hỏi ông Hoàng:
- Thủ trưởng dùng bia không?
- ờ! Bia. Cho tôi hai chai.
Đích thân viên giám đốc đem bia đến, hai chai Hữu Nghị. Ông Hoàng lục các túi. Túi áo khoác, túi áo trong, ông đứng lên lục túi quần. Thấy hào nào, xu nào ông xếp cả lên bàn ăn.
Những đồng tiền hào giấy, những đồng năm xu, hai xu bằng nhôm. Ông đếm được bốn hào bảy. Ông đưa tiền cho ông giám đốc và khất:
- Để chuyển sau về tôi trả nốt. Còn thiếu bao nhiêu nữa. Thiếu ba hào cơ à. Ghi nợ nhé.
Ông rót bia. Bia vàng óng trong cốc pha-ìê. Ông giơ cốc, cười thoải mái:
- Nâng cốc.
Tiếng pha-lê chạm nhau ngân trong. Bia mát lạnh. Ông nói cho hắn biết nơi hắn sẽ về công tác. Đó chính là một xí nghiệp khi còn làm báo hắn đã theo dõi, đã xuống công tác, lấy tin viết bài.
- Anh sẽ làm thi đua. ở đấy có một anh thi đua rồi, nhưng anh này không làm được.
ăn xong, ông rủ hắn đi bách bộ. Hè phố buổi trưa vắng và lạnh. Đó là một phố đẹp nhất P. Ông nói về nhà máy cơ khí mà ông theo dõi chặt chẽ và là một ngọn cờ thi đua trong cả nước mà hắn cũng rất am hiểu. Hai người ôn lại kỷ niệm một buổi đi tắm biển. Ông mời những ngưòi phá kỷ lục trong các đợt thao diễn kỹ thuật đi nghỉ mát. Hắn cũng có mặt trong buổi gặp mặt ấy của đồng chí bí thư thành uỷ. Ước gì trở lại ngày ấy. Ước gì ông lại về đây làm bí thư. Hắn lại nghĩ: Giá các ông công an qua đây nhìn hắn và ông Hoàng đang sôi nổi trò chuyện. Để các ông ấy hiểu rằng: Hắn không chết. Không phải ai cũng như các ông ấy. Vẫn còn những người tốt cứu hắn.
Buổi tối hôm ấy hắn kể lại cho Ngọc nghe tất cả. Nàng rất phấn khởi vì hắn sẽ được đi làm trong một ngày gần đây. Chẳng thể nào có được ngày xưa nữa, nhưng như thế đã là đổi đời rồi. Lại được đi làm. Có lương đều đặn. Dù ít ỏi nhưng ổn định. Và quan trọng hơn, đi làm, lại là cán bộ công nhân viên Nhà nước. Khôi phục được một phần về mặt chính trị. Cho hắn. Cho nàng. Và nhất là cho lũ trẻ. Nàng xúc động, nói với hắn, như người có lỗi:
- Tại em. Em nặng số lắm. Anh lấy em, khổ lây.
- Nhưng anh có quý nhân phù trợ.
Hai vợ chồng ngồi nói chuyện đến khuya. Ngủ sao được khi một tương lai khác đang đến giúp mình vợi bớt khổ đau. Giúp mình sống với một niềm hy vọng. Giúp mình ngoi lên được khỏi đáy, nó như cái hố phân sầu mà Sáng đã ngụp lặn.
Hắn còn muốn thức để chờ già Đô về. Tắt đài rồi. Lũ trẻ đã nằm trong màn, trùm chăn. Cái nắm đấm cửa bằng sứ khẽ xoay. Già Đô bước vào. Hắn gật gật khe khẽ:
- Cụ ngồi đây.
Ngọc về màn. Già Đô cảm thấy hôm nay có gì khác. Hắn rót nước, ghé sát già, thì thào:
- Mấy hôm nay, cụ làm gì?
Già trả lời ngay, không suy nghĩ:
- à! Nhùng nhằng.
Rõ ràng câu trả lời này già đã nghĩ sẵn từ lâu rồi.
Hắn thấy người già bốc lên một mùi nằng nặng. Như mùi thiu. Lại như mùi đống rác ngoài đường chưa kịp xúc lên xe...
- Có nước nóng. Già có rửa ráy không?
Già lắc đầu. Hắn kéo già đứng lên và cầm phích cùng già xuống nhà. Hai người đi rất khẽ. Hắn pha nước (rất khẽ). Già cởi áo bông và khẽ khàng vớt nước nóng lên mặt, lên tay...
Hắn biết già thoải mái và dễ chịu. Hắn dành cho già một bất ngờ nữa khi đã lên buồng: Hai khúc sắn luộc đúng quy trình ở trong ấy, khi toán đi làm chủ nhật được bồi dưỡng. Bóc vỏ, đun sôi, chắt nước, rắc muối lên để âm ỉ một lúc. Miếng sắn đậm đà, chỉ tội hơi nguội. Già ăn. Không từ chối như mọi hôm. Đó là lần duy nhất già ăn khi về nhà hắn buổi tối. Già cảm thấy hắn có điều gì vui. Hắn nhìn già, khe khẽ:
- Trông cụ gầy đấy.
Già gật gù:
- Gầy là phải thôi.
Có lẽ chỉ già mới biết già đã sống như thế nào, ăn những gì. Cái cặp lồng già mang đi có được dùng đến hàng ngày không.
Già đi nằm, không mắc màn như mọi tối.
Khi hắn chợp được một lúc mà hắn tưởng như đã lâu lắm rồi, có tiếng đập cửa và tiếng gọi to như ra lệnh:
- Mở cửa nhé! Kiểm tra hộ khẩu đây
Đó là điều hắn vẫn chờ đợi. Và hắn đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. Hắn bật điện, mở cửa. Anh hộ tịch đi cùng ông tổ trưởng dân phố (nguyên tắc nó phải như vậy). Đêm hôm đập cửa vào nhà người ta đánh thửc cả nhà người ta đang ngủ phải dậy để đếm từng người mà sao họ không thấy phiền phức, bất tiện nhỉ? Có lẽ chẳng ai muốn, nhưng biết làm sao. Đây là công việc cần thiết, làm vì cách mạng, cái khổ tâm giảm đi được chín chín phần trăm. Công tác an ninh là một mặt trận sống còn, âm thầm lặng lẽ phải chịu khó và chịu khổ nữa.
Những nhà đương cục đứng chứ không ngồi. Họ đếm:
- Ai kia?
Cái nhìn hướng vào lùm chăn ở góc nhà, góc trong cùng cạnh chỗ thằng Hiệp.
Cái chăn lùng nhùng cọ quậy và một người ngồi nhỏm dậy. Già Đô râu dài, tóc xoã, dăn deo, sợ sệt, mắt nheo nheo vì chói ánh đèn.
Người ta nhìn vào hắn. Ngọc cũng đã ngồi dậy. Nàng cố chỉnh đốn y phực, vuốt tóc tai cho đỡ bù xù, bước ra:.
Dạ thưa các anh, đây là bạn nhà tôi ạ.
- Có đăng ký tạm trú không?
- Dạ, chưa ạ.
Im lặng. Người hộ tịch gật gù:
- Đưa sổ hộ khẩu đây.
Ngọc tìm quyển sổ ghi hộ khẩu, phát minh của ông Thương ưởng thời Chiến Quốc mà bây giờ toàn nhân loại đều học, nhưng thật đáng buồn cho Thương ưởng, chính ông ta đã chết vì phát minh ấy của mình.
- Còn một cháu nữa đâu?
- Dạ, thưa anh cháu về quê ạ.
- Có báo tạm vắng không
Thưa anh cháu bé về với ông bà cháu ạ.
- Tức là không báo tạm vắng chứ gì?
Hắn im lặng. Ngọc im lặng.
- Bác khách có giấy tờ gì không?
Già Đô hất hẳn chiếc chăn bông ra. Già tìm trong đống bùng nhùng chăn màn, áo, túi, lấy ra một tờ giấy. Đó là tờ lệnh tha.
Anh hộ tịch xem rất lâu. Lật mặt trước, mặt sau tờ lệnh tha như có sự gì giả mạo và nói một cách bí hiểm và hăm doạ:
- Mai, anh chị và bác lên dồn nhận sổ hộ tịch, nhận giấy.
Rồi đi ra. Hắn nghe xem họ có gõ cửa nhà ai, vào nhà ai nữa không. Tất cả im lặng. Người ta chỉ kiểm tra nhà hắn. Lũ trẻ ngồi trong màn đã lăn xuống chiếu, kéo chăn trùm kín đầu. Già Đô ra bàn định nói chuyện gì đó. Hắn bảo:
- Thôi, muộn rồi. Anh em mình đi ngủ đi. Có gì sáng mai bàn thêm.
Mọi người đi nằm. Nhưng nào ai ngủ được. Hắn không muốn bật điện khuya. Rì rầm khuya không có lợi.
Lo lắng. Suy nghĩ. Không biết người ta có thu sổ hộ tịch không? Có giữ giấy tha của già không? Và điều suy nghĩ nữa là: Bao nhiêu nhà, chỉ kiểm tra mỗi nhà hắn. Vì nhà hắn là nhà trọng điểm, người ta vẫn theo dõi, biết những ai đến với hắn. Biết cả già Đô về rất khuya và ra đi từ lúc còn tối đất.
* *
Già Đô tự nhận hết về phần mình. Già cho rằng chỉ do già hắn mới bị lôi thôi. Nhưng hắn nghĩ khác. Hắn biết vụ kiểm tra, thu sổ hộ tịch này có dmh dáng đến việc ông Hoàng đã làm và đang làm cho hắn. Điều hắn đoán khá chính xác. Càng về sau thời gian càng chứng tỏ điều ấy. Những đơn từ hắn gửi đi, nếu có hồi âm đến P, người ta lại tổ chức kiểm tra hộ khẩu ngay sau đó. Ngọc cũng nghĩ như hắn. Với bản năng của những con thú bị săn đuổi, họ hiểu được cái ngôn ngữ của những hành động người ta làm với họ. Già Đô nghỉ đi làm sáng hôm sau. Ngọc chần mì, hoà nước mắm giấm ớt cả nhà ăn. Một bữa sáng đặc biệt sang trọng dãi già. Hắn ép già ăn hai bát. Già đói.
ăn xong, già mời Ngọc ngồi xuống để già nói chuyện. Già nhìn nhìn đăm đăm vào một điểm nào đó ở mặt bàn, những rãnh sâu phía đuôi mắt xoè hình nan quạt. Già nói chậm rãi, nghiêm trang:
- Hoàn cảnh tôi có khó khán, được cô chú giúp đỡ không biết lấy gì câm ơn cho được. Tôi cũng chỉ định nhờ cô chú dăm ba ngày. Nhưng hoá ra lâu, cũng gần hai tuần rồi. Cô chú quá tốt với tôi. Tôi cũng biết chẳng thể nào ở đây lâu được. Chỉ tạm thôi. Tạm thế là quá rồi. Nhà cửa cô chú chỉ có mấy bước chân, riêng gia đình ở đã chật. Lại còn tôi nữa. Các cháu mỗi ngày một lớn. Phải có chỗ cho chúng sinh hoạt, học hành. Thế rồi xảy ra cái chuyện hôm qua. Tôi thật ân hận, nghĩ mình lạm dụng lòng tốt cô chú...
Đúng như già nói. Hắn phải cố gắng rất nhiều trong việc thu xếp cho già ở đây. Dù già chỉ ở nhà hắn có bốn năm tiếng đồng hồ một ngày đêm. Dù già đã xếp gọn gàng các thứ vào góc nhà. Dù già đi về lẳng lặng như một cái bóng. Dù già đã hạn chế đến mức thấp nhất mọi nhu cầu: Từ chén nước uống, điếu thuốc lào (già đã cai thuốc) hoặc quả chuối hắn phần già, già cũng kiên quyết từ chối. Cuộc sống thật ghê gớm. Không ai có thể nghĩ được đến ai. Không ai có thể mở tấm lòng mình ra với người khác được.
- Hôm nay, xin phép cô chú tôi đi. Nói thật với cô chú, tôi cũng chưa có chỗ nào. Nhưng chẳng lẽ cứ ở đây mãi. Không có chỗ thì rồi cũng phải có chỗ chứ.
Rõ ràng già rất quyết tâm. Già băn khoăn:
- Liệu họ có thu hộ tịch, thu giấy không nhỉ?
Già nói như vậy để chia sẻ trách nhiệm đó thôi. Tất nhiên là phiền phức, nhưng sẽ nhận lại được sổ, được giấy. Có điều phải lễ phép, tỏ ra biết thân, biết phận, biết khuyết điểm, thiếu sót của mình. Đừng bao giờ khiêu khích những áo vàng. Hắn dị ứng với màu quần áo ấy, nhưng chưa bao giờ hắn coi những người mặc quần áo vàng là thủ phạm gây ra mọi đau khổ cho hắn. Hoặc cho già Đô. Họ chỉ là những người thừa hành. Những người bị sai phái làm việc này, việc nọ. Ngay cả những người như ông Lâm, trại QN, ông thiếu tá chánh giám thị VQ mà già Đô bảo đã được lên cục phó. Chẳng qua màu ấy gắn quá chặt với chuỗi ngày súc vật của hắn, nên hắn sợ mà thôi.
Già Đô chào Ngọc khi nàng xách xe đi làm. Già ôm thằng Dương. Đến hôm nay thằng Dương mới biết già vẫn ngủ ở nhà nó. Cái ông có bộ râu dài mà nó rất muốn được sở vào. Giờ thì nó thoải mái sờ. Nó chẳng ngửi thấy mùi chua từ người già, từ quần áo, râu tóc già bốc ra (Ngọc là người cực nhạy, nhiều lần lợm giọng vì cái mùi cống rãnh ấy. Nàng chỉ lặng lẽ lấy dầu xoa lên mũi). Nó vuốt râu già từ cằm, nhè nhẹ xuống chỏm râu dưới ngực. Già nắm bàn tay bé xinh của nó. Già thơm nó. Lại cái mùi của trẻ thơ. Cái mùi cuộc sống ven Địa Trung Hải. Mắt già đẫm lệ. Thấy già khóc, thằng bé sợ hãi rụt tay lại. Già vụt đứng lên, khoác bị bọc, chăn, chiếu, túi:
- Thôi, tôi đi!
Hắn theo già xuống thang:
- Thỉnh thoảng cụ lại nhé, thật đấy.
*
* *
Sau này, ôn lại những kỷ niệm về già Đô hắn thấy đó là những kỷ niệm nặng nề nhất trong cuộc đời hắn. Hắn nghĩ: Chính hắn đã ích kỷ, chỉ biết mình và đã góp phần vào tội ác. Tất nhiên hắn thấy lời buộc tội ấy là vô lý, bất công, nhưng sao nó vẫn cứ dai dẳng thế. Chẳng làm sao rũ được ý nghĩ mình đã vô trách nhiệm với già. Khoảng một tháng sau, già Đô trở lại nhà hắn. ở nhà hắn đi ra như thế nào, già trở lại cũng y như vậy. Một Vitali cô đơn, bị bọc, rách rưới, mang xách, nặng mùi. Có một điều khác: Tàn tạ hơn, mệt mỏi hơn, nhưng ẩn một tia hy vọng vì đã tìm ra lối thoát.
Già hỏi hắn: “Cụ có giấy bút không? “Và nhanh nhẹn đỡ lấy những thứ đó từ tay hắn. Già đeo kính.
Cái kỉnh lão mắt tròn tròn cổ lỗ hồi đầu thế kỷ, một mắt lại vỡ rạn hẳn là quá nhẹ với già, nên già phải ngửa đầu ra phía sau mà nhìn vào tờ giấy. Già viết rất khó khăn. Bé Dương lại sán đến để chạm tay vào chòm râu rễ tre, cuồn cuộn của già, nhưng già khẽ khàng bảo nó:
- Đi chơi, để bác làm nhé.
Nó đi ra chỗ bố. Thì đành đứng đó nhìn chòm râu già vậy.
Bỗng già buông bút, nhìn hắn:
- Hay là cụ viết giúp tôi.
Hắn vui vẻ nhận lời. Già đọc:
- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Kính gửi Sở Công an.
-à, gượm đã. Hay là kính gửi Ban giám thị trại VQ nhỉ?
- Nhưng mà nội dung đơn là gì cơ?
- Tôi xin trở lại trong ấy.
Hắn choáng người, đặt bút xuống, nhìn già chăm chăm.
- Tôi suy nghĩ kỹ rồi, cụ ạ. ở trong ấy tốt hơn.
Già chớp chớp mắt:
- Đời tôi là không gia đình. ở đâu cũng vậy thôi.
Hắn hiểu. Cuộc sống trong tù đối với già dễ chịu hơn rất nhiều. Nhưng phải chết ở trong ấy. Già không sợ nữa sao?
- ở ngoài này tôi không chịu đựng nổi nữa rồi.
Hắn cảm thấy già có lý: Với già sống ở ngoài đời đáng sợ hơn chết ở trong tù nhiều lắm.
- Thế thì phải làm đơn gửi Sở Công an. Trại người ta không nhận đâu. Phải là từ Sở đưa lên. Trại đã xuất kho mình rồi, ai người ta nhập kho mình nữa.
- ý tứ thế. Cụ viết giúp tôi.
Hắn viết. Già ngồi im lặng. Hắn bảo già:
- Cụ nghe tôi đọc lại nhé.
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Đơn xin vào lại trại cải tạo...
Già nghe, gật gù... “Được. Được”. “Già ký vào đây”. Già ký. Ký xong vẻ mặt già bỗng thay đổi. Từ hy vọng chuyển sang lo lắng. Không biết người ta có nhận đơn không? Già bảo hắn, giọng bi quan:
- Làm đơn thì làm, chứ chưa chắc đã ăn thua gì đâu, cụ ạ.
Đó là lần cuối cùng già lại nhà hắn. Việc nộp đơn xin vào trại của già không được chấp nhận. Già đi bới rác. Già lê la ở các cửa hàng mậu dịch, khách sạn. Dồn dịch những bát phở, vét đa, nhặt những mẩu bánh mỳ thừa. Già làm những việc đó vừa để nuôi sống mình, vừa với một hy vọng lớn lao: Già sẽ bị bắt lại, vì là một phần tử du thủ du thực. Già sẽ được tập trung cải tạo, nhưng lần này là tập trung hình sự, số chẵn như ông già Táy vét đĩa ở các cửa hàng mậu dịch, bi bắt chung cùng một dịp với già. Nhưng già không gặp may. Ngày ấy đang cần pha-lê hoá thành phố. Giờ đây thành phố đã trong sạch như pha-lê rồi, hoặc đã đục trở lại nhưng không cần pha-lê hoá nữa. Chủ trương ấy phát ra, đã thu kết quả và đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó.
Già đành phải ở lại ngoài xã hội.
Cái áo bông rách rộng thùng thình không còn biết nó là màu gì nữa. Trong lần đi giao thuốc lá ở một hàng nước tại cửa rạp hát cải lương gần chợ Chính, hắn đã thấy già, túi vải to tướng đang bới bới đống rác ở bên kia đường. Đó là mùa xuân năm 1975, cũng đang mùa mưa dầm, hắn đã ra tù được hai năm, đã được gặp ông Trần và quân ta sắp đánh Buôn Mê Thuột mở đầu công cuộc giẫi phóng toàn thể miền Nam, thu giang sơn về một mối.
Hắn gọi già. Già không đáp, vẫn cứ cham chú vào công việc của mình. Hắn đi đến cạnh già. Già nặng mùi đến mức ở ngoài đường hắn cũng ngửi thấy. Trong chiếc áo bông đã mọc rêu, già nhìn hắn như nhìn một người lạ và lại bới bới. Già không nói một câu. Chẳng lẽ già không nhận ra hắn. Có thể già lú. Nhưng cũng có thể già quyết định không còn quen biết một người nào ở thế giới này để được hoàn toàn cô đơn. Nỗi cô đơn ấy cần thiết cho sự tự quên mình đi, để chính mình cũng không biết mình là ai nữa, nhờ đó mà kiếm lấy tý chút yên tĩnh tinh thần. Thế rồi sau đó ở các phố xuất hiện một ông già được bọn trẻ con chào đón nhiệt liệt. Một ông già nhỏ bé, râu dài cuồn cuộn. Túi vải to đeo lệch vai. Ông đi vào các nhà, ăn cắp. Ông chỉ dám kéo ít quần áo, tã lót phơi ở sân. Hoặc thó một đôi dép hớ hênh ngoài cửa. Nhưng chưa một lần ông lão thành công. Có một điều kỳ lạ là già bị lộ khi đang ăn cắp, nhưng không ai ghét bỏ già. Cũng chẳng riếc móc, đánh đập. Chẳng báo công an. Tới khi công an biết cũng chẳng đưa đi tập trung cải tạo. Thật là thất bại thảm hại. Chỉ có lũ trẻ là cứ làm ầm lên. Già vào một ngõ có nhiều quần áo căng ở dây phơi. Vừa thấy già, lũ trẻ trong ngõ đã reo ầm ĩ. Chúng mừng rỡ, vỗ tay hoan hô vang dậy. Già đi đến đâu ở đó dậy lên tiếng reo trong trẻo hồn nhiên của lũ trẻ chẳng một chút ác ý với già. Chính sự thích thú và có phần nào quý mến già của chúng đã khiến cho người lớn nhìn già bằng con mắt thương hại chứ không căm ghét. Nó đã hại già, làm già thất bại, già không được đi tập trung cải tạo, cũng như không ăn cắp nổi một đôi dép cũ. Có lần già đi vào khu nhà Bình. Hạnh phúc thật quá bất ngờ với lũ trẻ ở đó. Chúng vội nấp kín vào những chỗ khuất, nín thở nhìn ra sân. Khi già giơ tay định kéo cái áo may-ô của ông Tung phơi ngay đầu sân, cả lũ xô ra, reo lên ầm ầm. Tiếng reo đồng loạt bật lên, phấn khởi, vui sướng tự đáy lòng (như sau này chúng reo mỗi khi có điện) làm già giật thót mình. Già rụt tay lại.
Già bước những bước xiêu xiêu trở ra. Lũ trẻ ùa tới nhảy nhót, nghịch ngợm chung quanh. Chúng chế giễu già là không biết ăn cắp, là ăn cắp hạng bét và hoan hô già. Già chỉ mỉm cười độ lượng.
ở những ngõ khác, lũ trẻ hồi hộp chờ già tới với chúng. Chúng buồn bã, thất vọng khi già đi thẳng. Chúng vụt biến mất như chui xuống đất khi già rẽ vào nhà chúng. Với vẻ mặt sung sướng háo hức ranh mãnh, chúng chuẩn bị cho trò chơi vô cùng thú vị sắp xảy ra.
Như ông già Noel, già mang niềm vui đến cho đám trẻ. Nhưng khác với ông già Noel bất tử, già đem những ngày cuối cùng của cuộc đời già ra làm trò vui ấy.
Già cũng không nhớ được bữa ăn gần nhất của già cách đây đã mấy hôm rồi. Và già ăn cái gì vào bụng. Già không thấy đói nữa. Già đi như người mộng du. Già cảm thấy người già rất nhẹ. Già đi mà chân như không chạm đất.
Rồi đến một ngày già không đi được nữa. Già thấy mình đang phiêu diêu. Thật là một cảm giác khoan khoái dễ chịu, già chưa từng biết tới. Già đã chọn cho mình chỗ nằm để phiêu diêu: Một ngôi đình khá rộng sát nội thành, nơi thờ vị thần cách đây mấy trăm năm đã cắm lưỡi gươm làm mốc khai phá bãi sú để vùng đất chua mặn này ngày nay trở thành thành phố.
Ngôi đình đổ nát và bị bỏ quên. Thời sau Genève, thời già đi làm nhà máy giấy, ngôi đình là nơi tập kết lợn của Công ty thực phẩm. Người ta quây, ngăn dình thành từng ô. Những xe ô-tô chở lợn từ các nơi đổ xuống đấy để giết ngay hay nuôi mấy ngày rồi giết. Dạo ấy ngôi đình khá sầm uất. Ô-tô gầm rú. Xe đạp ghếch chật sân. Xe cải tiến lộc cộc chở gạo nếp đổi lấy phân lợn. Một dãy bếp lò nấu cám, nấu nước... Lợn sống đã vui. Cắn nhau. Gầm. Kêu. Eng éc. Hộc hộc. Nhưng lợn chết còn vui hơn. Lợn chết được tính vào tỷ lệ cho phép, được giải quyết nội bộ, không vào sổ sách kế toán, không phải bỏ tiền mua mà lại có thịt đem về nhà ăn hay bán.
Từ khi chiến tranh bắn phá, thành phố sơ tán, người ta không đưa lợn về đây nữa. Ngôi đình hoàn toàn hoang phế. Không một dấu vết thờ phượng. Cứt lợn cũng hết lâu rồi. Chỉ còn dơi treo mình lủng lẳng.
Thật là một chỗ nằm yên tĩnh lý tưởng để phiêu diêu. Chẳng ai quấy rầy già. Phiêu diêu là một cảm giác sung sướng lạ lùng. Chẳng nhớ được một điều gì, chỉ thấy mình đang tan đi và đang bay...
Già không chết trong tù, đúng như có lúc già mong ước. Già cũng. không đến được với lũ trẻ nữa. Những ngày đầu chúng luôn nhắc tới già. Chúng nhớ già, chờ già, mong già.
Và chúng nhanh chóng quên già.
Quên hẳn.


*
* *
Trước khi gặp già Đô lần cuối cùng cạnh đống rác gần cửa nhà hát vài tuần lễ, hắn đã được yết kiến ông Trần. Đó là điều hắn ao ước mong đợi từ ngày hắn được ra khỏi trại. Cũng như ở trong tù hắn đã mong mỏi biết bao về cuộc gặp giữa ông và anh Chân. Bởi vì ông là người quyết định số phận của hắn. Ông là người đã ký vào bản án tử hình của hắn. Có thể ông không định khai đao. Nhưng rồi ông đã phải khai đao. Ông không định trói hắn vào cọc và hạ lệnh cho đội hành quyết siết cò. Nhưng rồi ông lại làm như vậy. Tình thế xô đẩy. Có lúc chính ông cũng không làm chủ được hoàn cảnh. Hắn mong mỏi được gặp ông cũng chỉ vì ông có phép mầu, làm cho đầu hắn đã bị chặt lìa khỏi cổ dính lại với thân mình, làm cho lồng ngực hắn bị dạn bắn thủng lỗ chỗ, máu phun phè phè, bỗng dưng lành lại, da thịt mịn màng.
“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Bố hắn vẫn dạy hắn như vậy. Điều mình không muốn thì đừng bắt người khác phải chịu. Hắn không muốn bị quy chụp, bởi vậy hắn đứng về phía ông Trần để cắt nghĩa những việc làm của ông đối với hắn. Hắn muốn lý giải ông một cách khách quan. Kết luận cuối cùng rút ra chỉ có thể là một trong hai trường hợp sau đây:
1- Những thông tin về hắn đến với ông bị bóp méo, sai lạc.
2- Ông bắt hắn vì cách mạng. Nhưng khi ông biết bắt hắn là sai, ông không có cách nào sửa lại được. Ông đành phải hy sinh hắn. Giá hắn làm ở một xí nghiệp nào đấy, bị bắt vì tình nghi tham ô, ăn cắp, nay biết là oan có thể ông sẽ trả hắn về cương vị cũ. Đằng này hắn lại là phóng viên, một cán bộ có máu mặt, miếng không có nhưng có tiếng, quen biết rộng, khi bắt đã tạo thành dư luận ầm ĩ. Nếu thả lại càng ầm ĩ hơn.
Hắn đành phải chịu hy sinh thôi. Bao nhiêu người còn phải hy sinh tính mạng mình nữa kia. So sánh với hàng triệu người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn người bị bắn oan trong cải cách ruộng đất và với cả nhiều người bị bắt oan nữa chứ, chắc chắn là như vậy, dù ngành có công minh đến mấy, thì sự hy sinh mất mát của hắn thật không đáng kể. Chỉ là hạt cát trong sa mạc. Ông không muốn hắn phải hy sinh, nhưng tình thế này ngoài ý muốn của ông. Ông phải kiên quyết để bảo vệ uy tín của ngành, của tập thể, một điều rất cần thiết cho nền chuyên chính.
Uy tín của ông là uy tín của ngành. Nó không còn là của riêng ông, của riêng ai nữa. Uy tín của ông là để phục vụ cách mạng. Nó thuộc về cách mạng, thuộc về nền chuyên chính, hơn lúc nào hết đang phải trấn áp thù trong giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng. Ông lúc nào cũng toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng.
Vì cách mạng ông phải xử sự như một người bíết rằng hơi quá tay nhưng vẫn phải làm. Lưỡi gươm trấn áp phải tỏ ra sắc bén, hiệu quả. Ông thanh thản trước lương tâm vì cái động cơ của việc làm đó. Động cơ là xuất phát điểm của hành động, là tính mục đích của công việc. Nó biện minh cho hành động. Động cơ của ông trong sáng. Hoàn toàn trong sáng.
Điểm nữa, ông biết chắc mọi đơn từ của hắn gửi các nơi, các cấp đều trở lại nơi ông. Ông thừa biết cái cung cách người ta xử lý các đơn từ loại ấy như thế nào. Kiến trong miệng chén có bò đi đâu. Ông lại là người giải quyết. Mọi đơn từ đều được kính chuyển về thành phố. Nghĩa là về ông. Ông giao lại cho đám cấp dưới của ông. Họ là những người thông minh, họ biết phải làm gì với những đơn ấy. Họ biết phải làm gì với hắn để đè bẹp ý chí của hắn. Điều quan trọng là phải đè bẹp ý chí của hắn. Khi ông cho đưa hắn về 75, ông đã định tha hắn. Của đáng tội, bắt con em một gia đình cách mạng có công với nước vì những chuyện có vấn đề tư tưởng như vậy tù bốn nảm là đủ cho việc ngăn chặn rồi. Nhưng hắn không biết điều. Ông cần phải cho hắn đi một tăng nữa. Hắn vẫn không hiểu được những điều tối thiểu, còn đang trong tù mà đã phát biểu khi ra sẽ khiếu nại. Quá tự tin và hung hăng. Nếu hắn biết thân biết phận, biết cách xử lý, nhận vài khuyết điểm nào đó - ai mà chả có khuyết điểm- hắn sẽ được ông đối xử một cách khác. Một cách đối xử chứng tỏ Đảng luôn mở đường cho những kẻ biết hối cải, chứng tỏ sự rộng lượng của riêng ông. Và dẫn dần ông lại cho nó những điều ông có thể cho được. Chỉ cần nó biết mình, biết người. Nó biết nó. Nó phải biết nó. Nó định lấy cái cương của cá nhân nó chọi lại cái cương của cách mạng. Húc đầu vào đá thôi, con ạ. Trứng chọi đá, chọi sao nổi. Cách mạng sẽ đè bẹp tất cả. Cái tăng bổ sung sau này là dành cho mục đích ấy. Chí ít thì cũng có thêm thời gian cho câu chuyện của hắn thành dĩ vãng. Để lâu cái gì chẳng hoá thành bùn. Ông chẳng bao giờ được chủ động trong xử sự. Ông xử sự, ông hành động theo cách bọn địch, bọn bất mãn, bọn phá hoại bắt ông phải hành động.
Cũng có thể ông chẳng nghĩ ngợi gì. Ông không nghĩ vì ông đã quen rồi, quen nhìn thấy máu rồi. Với lại chẳng qua ông không bắt được quả tang hắn mà thôi. Hơn nữa nếu trước khi bị bắt, hắn chống đối một cách không tự giác, vô ý thức, thì bây giờ ở tù ra hẳn là hắn đã và sẽ chống đối một cách triệt để, có ý thức. Điều đó phù hợp với biện chứng, với logic. Đối xử với hắn như đối xử với một tên phản cách mạng là điều buộc ông phải làm.
Hắn cũng công nhận rằng ông bắt hắn không phải vì tư thù, ác ý. Số cán bộ trung gian đã xuyên tạc hắn với ông. Những thông tin ban đầu của họ là không đúng (như: Hắn là người bất mãn, bẻ bút không viết nữa, đả kích chế độ trong nói năng, phát ngôn..). Những thông tin này có thể do bọn Bách ở báo, bọn xấu, bọn đố kỵ cung cấp. Cũng có khi chỉ là những câu chuyện vui của những người chẳng ác ý gì. Hắn lại không chịu ca ngợi Mao chủ tịch, không vẽ râu vào ảnh Khrusôp, không mạt sát phim “Bài ca người lính”. Đó là chưa kể hắn giao du rất rộng với bao nhiêu phần tủ đáng nghi ngờ ở Hà Nội. Những hiện tượng ấy ghép lại, được kết dính bằng một nhận định toàn bộ cho một ý đồ. Một sợi chỉ đỏ xuyên suốt như thường nói. Thế là ông Trần duyệt bắt thôi. Bởi vậy, hắn đã bao lần tìm gặp ông Trần nhưng không được, vì ông ở ngay trong sở. Có lính gác. Hắn chỉ đưa được đơn vào phòng thường trực. Hắn hỏi Bình:
- Ông Trần trông thế nào nhỉ? Thời còn làm báo, hắn chưa tiếp xúc với ông. Vì hắn không theo dõi nội chính. Hắn theo dõi khối công nghiệp. Có một lần ông Trần đến cơ quan báo cáo tình hình trật tự trị an cho anh em phóng viên, ông mở đầu bài nói cùng với một ý khi ông kết luận:
- Các đồng chí nghe để biết thôi. Ngành chúng tôi càng ít nói trên báo càng tốt. Hễ nói nhiều là tình hình không hay rồi đấy.
Hắn chỉ trông thấy ông có mỗi lần ấy. Hắn không nhớ được nét mặt ông. Bình bảo: “Mày có nhớ thằng Thanh Nhàn không? Ông ấy có kiểu người của thằng Thanh Nhàn”, “Thanh Nhàn nào?” “Thanh Nhàn xi- măng. Vẫn viết tin cho chúng mình ấy”. Hắn lắc đầu: “Quên rồi”. Bình nhăn trán suy nghĩ và bật kêu lên: “Trông ông Trần giống Lâm Bưu. Đúng. Đúng. Giống Lâm Bưu”.
Thật là một so sánh bất ngờ và kỳ lạ.
ấy thế mà khi gặp ông, hắn hiểu Bình có lý: Thấy ông người ta liền nghĩ đến Lâm Bưu, nhất là lúc Lâm Bưu đứng cạnh Mao chủ tịch, quyển sách đỏ cầm tay, Lâm Bưu ở cái tư thế profil nhìn bao quát cả đám quần chúng mênh mông Thiên An Môn ấy.
Dáng người ông nhỏ nhắn, lông mày rậm hơi chổi sể, khuôn mặt xương xương, hóp lại về phía cằm và cặp mắt nhỏ, hẹp ẩn dưới hàng lông mày rậm, lại càng nhỏ hơn mỗi khi ông cười. (Thực ra ông có cặp mắt lươn ti hí, nhưng hắn không muốn dùng chữ ấy).
Kỳ Trước | Kỳ Sau

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên